Vì sao thu phí ETC chưa hoàn toàn “liên thông”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh nghi ngờ đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà cung cấp dịch vụ khiến khách hàng sử dụng dịch vụ ePass của Viettel thường xuyên bị làm khó khi qua trạm của Cty TNHH thu phí tự động VETC (VETC).
Tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng ETC từ tháng 6/2020.
Tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng ETC từ tháng 6/2020.

Người sử dụng dịch ePass bị làm khó?

Anh Trần Đặng Vũ (Hà Nội) cho biết, do công việc thường xuyên phải đi lại khu vực Ninh Bình nên lựa chọn tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và dịch vụ thu phí tự động không dừng ePass của Cty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC). Tuy nhiên, xe của anh thường xuyên gặp khó khăn khi qua trạm. Cụ thể, anh có 5 lần đi trên tuyến cao tốc này và cả 5 lần khi di chuyển xe vào làn thu phí tự động (ETC), barie đều không mở dù trong tài khoản còn hơn 3 triệu đồng.

Hết quý II/2022 cần lắp đặt đủ 120 làn thu phí ETC: Tính đến đầu năm 2022, trong số 112 trạm thu phí vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, Bộ GTVT quản lý 69 trạm, địa phương quản lý 43 trạm; 77 trạm thuộc dự án BOO1 và 35 trạm thuộc dự án BOO2. Trong đó có 63 trạm lắp đủ 100% các làn thu phí ETC (4 - 8 làn), có 30 trạm đã lắp hơn 3 làn thu phí ETC, còn 19 trạm mới lắp đặt được 2 làn thu phí. Để hoàn thành mục tiêu liên thông ETC toàn quốc vào quý II/2022, cần lắp đặt 120 làn (trong đó có 60 làn thuộc các trạm do Bộ GTVT quản lý, 60 làn thuộc các trạm do địa phương quản lý).

Anh Vũ cho hay, cả 5 lần đều dừng lại thắc mắc thì đều được cho hay là “hệ thống bị lỗi”. Khi anh bức xúc muốn giải quyết nhanh để qua trạm thì nhân viên của trạm ra, và “có dấu hiệu gây khó dễ”. Thậm chí, không ít lần anh còn được “khuyên” nên dán thẻ và sử dụng dịch vụ của VETC nếu không muốn bị phiền phức. Anh không khỏi nghi ngờ có thể không phải do lỗi kỹ thuật nào cả mà khách hàng sử dụng dịch vụ ePass của Viettel đang thành nạn nhân của sự cạnh tranh không lành mạnh giữa hai nhà cung cấp dịch vụ này?

Khi được hỏi về những sự cố mà khách hàng sử dụng dịch vụ ePass gặp phải và có hay không việc các trạm VETC “làm khó” khách hàng bên ePass, một nhân viên của VETC nói “nếu giải thích thì chắc là do công nghệ, do lỗi kỹ thuật thôi. Còn vì sao bị thế thì khó nói lắm”.

Vào năm 2021, qua kiểm tra của Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT), phát hiện công tác vận hành hệ thống thu phí đường bộ điện tử (ETC) gặp nhiều vướng mắc, tồn tại. Cơ quan này cũng xác nhận, các phương tiện dán thẻ ePass kết nối Viettel Pay thường bị lỗi khi qua các trạm của VECT quản lý do không thể kiểm tra được số dư trong tài khoản giao thông dẫn đến barie không mở. Cá biệt, có hiện tượng xe không qua trạm nhưng bị trừ tiền do có sai sót nhầm biển số xe.

Theo tìm hiểu, có hai DN là VETC và VDTC tham gia thực hiện thu phí không dừng. VETC thực hiện lắp đặt thu phí không dừng giai đoạn 1 (dự án BOO1) trên 56 trạm thu phí. VDTC thực hiện giai đoạn 2 (dự án BOO2) lắp đặt trên 35 trạm BOT. Là đơn vị tham gia sau và phải đến 29/12/2020, hệ thống thu phí tự động không dừng BOO2 của VDTC mới chính thức được đưa vào vận hành. Đến nay, BOO2 đã triển khai dán được hơn 1.200.000 thẻ ETC (dự án BOO1 của VETC dán được 1.154.000 thẻ ETC).

Theo thông báo của các nhà cung cấp dịch vụ, hệ thống dữ liệu của hai dự án hiện đã kết nối với nhau. Truyền thông đến khách hàng, hai nhà cung cấp cũng đều khẳng định với việc kết nối đã đảm bảo chủ phương tiện chỉ cần sử dụng một thẻ thu phí điện tử không dừng có thể lưu thông qua 91 trạm thu phí có lắp đặt ETC. Tuy nhiên, từ phía những trục trặc mà khách hàng sử dụng dịch vụ ePass đang gặp phải, có thể nói dù hệ thống nói là đã kết nối nhưng dịch vụ giữa hai ông lớn này thực sự vẫn chưa “liên thông”?

Chỉ sau hơn 1 năm khai trương dịch vụ đã có 1,2 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng ePass.

Chỉ sau hơn 1 năm khai trương dịch vụ đã có 1,2 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng ePass.

Phía VDTC và VETC nói gì?

Trả lời PV, đại diện VDTC cho biết, trong công tác triển khai, nhà cung cấp dịch vụ này phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó có công tác phối hợp giữa các đơn vị triển khai dịch vụ chưa được thực hiện nghiêm túc.

Theo VDTC, thời gian qua, đơn vị này nhận được phản ánh của khách hàng về tình trạng không qua được trạm do barrie không mở nhưng vẫn bị trừ tiền trong thẻ. Qua kiểm tra, xác định các nhóm nguyên nhân chủ yếu liên quan tới việc tuân thủ quy trình phối hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT; do nhân viên và lực lượng hỗ trợ ở trạm thu phí không kịp thời nắm được thông tin sự cố nên cung cấp sai thông tin cho chủ xe dán thẻ.

“Sau khi xảy ra những sự cố trên, chúng tôi đã nhanh chóng có văn bản đề xuất Tổng cục Đường bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan báo cáo lại nguyên nhân, khắc phục sự cố nêu trên và có biện pháp ngăn ngừa sự cố tương tự. Song song, VDTC tổ chức lực lượng kỹ thuật ứng trực và xử lý nhanh lỗi hệ thống tại các tuyến trọng điểm; đồng thời liên hệ khách hàng gặp lỗi về thẻ để khắc phục dán thẻ mới, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng”, đại diện VDTC cho biết.

Trong khi đó, phía VETC nói không can thiệp hay gây khó dễ đối với khách hàng dán thẻ ePass khi lưu thông qua trạm có kết nối trung tâm dữ liệu (TTDL) của VETC. Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Cty VETC cho rằng, những lỗi phát sinh có thể từ nguyên nhân do một số thẻ dán phía VDTC ở thời gian đầu đưa vào khai thác có chất lượng chưa cao hoặc thiếu chuẩn xác ở khâu thao tác dán thẻ.

Các lý do trên sẽ dẫn đến việc khi qua trạm thu phí có kết nối với TTDL của VDTC thì không đọc được thẻ, hệ thống chuyển sang đọc biển số. Còn phía các trạm thu phí có kết nối với VETC không chấp nhận đọc biển số mà chỉ đọc thông tin khách qua thẻ dán trên xe, sẽ dẫn đến tình trạng xe không qua trạm được. Việc này sau một thời gian phía VDTC đã khắc phục hoàn toàn và chỉ xảy ra khi xe chưa lần nào lưu thông qua trạm.

Ngoài ra, theo ông Vinh, trong chỉ số kết nối KPI theo tiêu chuẩn ban hành của Tổng cục Đường bộ thì các hệ thống của VETC và VDTC cần đảm bảo 99,8%. Như vậy, vẫn có tỷ lệ xe sẽ bị lỗi do hệ thống xảy ra nhưng nằm trong pham vi cho phép. Việc này, Tổng cục Đường bộ cũng đã có xác nhận gửi tới các cơ quan chức năng, cơ quan thông tấn báo chí về việc luôn tồn tại lỗi hệ thống của hai nhà cung cấp dịch vụ, và yêu cầu cả hai đơn vị VETC và VDTC cần phối hợp để giảm thiểu sự cố kỹ thuật đối với các khách hàng của nhau.

Song song đó, VETC và VDTC cần đồng thời cùng phối hợp nhà đầu tư BOT để giảm thiểu lỗi trong công tác vận hành. “Đây hoàn toàn là lỗi kỹ thuật xảy ra đơn lẻ tại từng trạm thu phí và từng phương tiện riêng biệt, không có liên quan đến việc can thiệp hệ thống và gây khó dễ đối với khách hàng của đối tác”, ông Vinh nói.

Làm ảnh hưởng đến dịch vụ ETC nói chung: Liên quan vấn đề, trả lời PLVN, phía Tổng cục Đường bộ cho rằng không có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa hai nhà cung cấp dịch vụ. Theo đại diện đơn vị này, trong thời gian vừa qua, trên các mạng xã hội có nhiều bài viết mang tính chia rẽ hai nhà cung cấp dịch vụ truyền thông việc cạnh tranh không lành mạnh giữa hai nhà cung cấp dịch vụ. Việc này làm ảnh hưởng đến dịch vụ ETC nói chung, uy tín của các nhà cung cấp dịch vụ nói riêng, đồng thời gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà cung cấp dịch vụ trong việc truyền thông dịch vụ ETC.

Đọc thêm