Càng phải sống có trách nhiệm hơn
Bài viết đề cử ông Nguyễn Hải Nam (SN 1963, Phó phòng Kiểm sát, điều tra xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, VKSND Thừa Thiên - Huế) là một tác phẩm có thể đánh giá xúc động lòng người.
Ở tuổi đôi mươi, vừa tốt nghiệp phổ thông, Hải Nam tình nguyện tham gia quân ngũ, được cử đi học tại Trường Sỹ quan Lục quân 1, học tập rèn luyện tốt nên được giữ lại làm giáo viên, rồi rời giảng đường tình nguyện tham gia chiến đấu ở biên giới Tràng Định (Lạng Sơn) và bị thương, phải cắt cụt 1/3 chân, trở thành thương binh hạng 3.
Rời quân ngũ, người thương binh vẫn thi đậu Đại học Luật Hà Nội, trở thành Kiểm sát viên. Hơn 30 năm công tác với hàng nghìn vụ án chưa bao giờ có một vụ qua tay ông mà bị trả lại điều tra, chưa từng để xảy ra vụ án oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Kiểm sát viên Nguyễn Hải Nam. |
Đúc kết về cuộc đời tấm gương này, tác giả Lê Tám Bảy đã viết những dòng “chạm đến trái tim”: “Từng hy sinh thân mình, đối mặt cái chết để bảo vệ Tổ quốc, nên trong công việc hay trong cuộc sống, ông Nam đều lấy phương châm thượng tôn pháp luật, phục vụ nhân dân làm tiêu chí hàng đầu. Không một ai, thế lực nào có thể gây sức ép để ông làm trái luật, đi ngược lương tâm”.
Nói về “cơ duyên” đến với chương trình, ông Nam kể lại, đầu tháng 8/2021, ông nhận được cuộc gọi từ Đại biểu Quốc hội, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh Nguyễn Thanh Hải. “Anh Hải trao đổi với tôi là Bộ Tư pháp có chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật”. Anh Hải nói tôi là tấm gương sáng nhất của Viện, nên giới thiệu để Báo PLVN tiếp xúc tìm hiểu đăng bài”.
“Lúc đó, tôi xin phép với Viện trưởng là không nhận lời. Trước đây, rất nhiều báo muốn viết về tôi, dù có báo ngành, báo tỉnh nhưng tôi đều từ chối. Tuy nhiên, sau khi được đọc đề án, quy chế bình chọn chương trình “Gương sáng Pháp luật”; tôi đã chọn Báo PLVN để tâm sự về cuộc đời mình”.
Bài viết “Kiểm sát viên – Thương binh Nguyễn Hải Nam: Nghị lực phi thường, tâm trong sáng, nghiệp vụ tinh thông” sau đó đã không chỉ lan tỏa trên mạng internet. Viện trưởng còn gửi bài viết vào nhóm zalo cho cán bộ chủ chốt của VKSND tỉnh, càng được nhiều người biết. Bạn bè, đồng nghiệp, lãnh đạo, là đồng đội cũ của ông Nam hỏi thăm, động viên rất nhiều. “Tôi càng phải sống có trách nhiệm với công việc, với bản thân hơn để giữ vững sự tin yêu của mọi người. Đồng thời tôi cũng thường xuyên tìm đọc bài viết về những đề cử được đăng trên Báo PLVN”, ông Nam nói.
“Khi có kết quả bình chọn, dù mình không có tên trong danh sách 50 “Gương sáng Pháp luật” 2021, quả thật có chút buồn; nhưng tôi vẫn hạnh phúc, tự hào vì nhận ra mình cũng có chút dấu ấn để lại cho đời. Đến bây giờ, sau gần 3 tháng lên báo, vẫn còn có người hỏi thăm. Tôi nghĩ Hội đồng bình chọn đã thảo luận, thống nhất và khách quan. Những người được tôn vinh đều tiêu biểu, có cái hay, cái nổi bật riêng, xứng đáng. Tôi mong Chương trình sẽ ngày càng lan rộng để lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật tới toàn dân. Sang năm hay nhiều năm sau nữa, nếu có chương trình này thì chắc chắn tôi cũng sẽ là một độc giả trung thành”, ông Nam cười vui vẻ.
Nhìn nhận lại mình khách quan để tiếp tục phấn đấu
Với ông Lê Văn Toàn, công chức tư pháp - hộ tịch, Đại biểu HĐND xã Đam’bri (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), đến với chương trình vì nhận thấy đây là một trong những hình thức tôn vinh các cá nhân có những việc làm thiết thực, ý nghĩa, kiểu mẫu trong công tác và lối sống, nói phải đi đôi với làm để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công chức Hộ tịch – Tư pháp Lê Đăng Toàn. |
Dù chỉ là một công chức xã nhưng ông Toàn chính là người giữ kỷ lục có nhiều sáng kiến. Chỉ 5 năm gần đây, ông Toàn có 5 đề tài được Hội đồng xét duyệt sáng kiến TP Bảo Lộc công nhận, nhân rộng trên địa bàn TP, được Sở Tư pháp giới thiệu rộng rãi toàn tỉnh. Điển hình như Đề tài “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đăng ký và quản lý hộ tịch tại xã Đamb’ri”, qua thực tiễn áp dụng góp phần chấm dứt tình trạng tảo hôn, đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn, sai sót trong các giấy tờ hộ tịch, một số trường hợp di dân tự do không có hộ khẩu và chứng minh nhân dân, không có giấy khai sinh…
Ông Toàn cũng là tác giả của những đề tài “Nâng cao hiệu quả hòa giải ở cơ sở” giúp các hòa giải viên nâng cao trình độ, trang bị kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, khai thác các thông tin tài liệu xem xét xác minh vụ việc, tìm ra cốt lõi mâu thuẫn, xung đột; tra cứu tìm hiểu các văn bản, giải pháp tư vấn… nhằm mang lại kết quả hòa giải cao nhất. Đề tài “Nâng cao hiệu quả hòa giải tranh chấp đất đai”, thông qua việc tổ chức hòa giải để giải quyết kịp thời, tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai trong nhân dân, giúp giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết cộng đồng; phòng ngừa vi phạm pháp luật, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa bàn…
Những kinh nghiệm, tâm huyết của ông Toàn sau hàng chục năm công tác trong lĩnh vực tư pháp cơ sở đã được nhóm tác giả Dương Tùng – Sơn Long truyền tải đầy đủ trong bài viết đề cử “Người giữ kỷ lục sáng kiến trong ngành Tư pháp Lâm Đồng”. Ví dụ từ thực tiễn công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương, ông Toàn nhận thấy nếu chỉ đọc nghị quyết, văn bản, liệt kê điều khoản sẽ rất khô cứng, khó hiểu, dễ gây nhàm chán. Các hội nghị như thế có rất ít người tham gia, may ra chỉ có cán bộ thôn, xã; chứ người dân nghe năm ba câu đã bỏ về, người đứng trên bục nói cảm giác hụt hẫng.
Vị cán bộ xã đã mạnh dạn đề xuất với Đảng ủy, UBND xã cho phép thử nghiệm mô hình mới. Theo đó, xã sẽ tổ chức một buổi lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân kết hợp tuyên truyền pháp luật, nửa thời gian đầu dùng để cập nhật các quy định pháp luật mới, cần thiết. Thời gian còn lại, đại diện các đơn vị chuyên môn giải đáp tất cả các thắc mắc, phản ánh của người dân. Nhờ đó các buổi làm việc thu hút rất đông người dân, vì khi đến dự sẽ đồng thời được giải đáp các vướng mắc pháp luật đang gặp phải.
Sau khi bài viết được đăng tải, nhân vật Lê Đăng Toàn nhìn nhận: “Chương trình giúp những nhân vật như cá nhân tôi nói riêng; và các cán bộ, công chức nói chung có cái nhìn nhận lại mình khách quan để tiếp tục phấn đấu trong công tác, lan tỏa những việc làm tốt đẹp. Chương tình góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân trước những tấm gương ưu tú ngày đêm đóng góp công sức phục vụ nhân dân, đất nước. Chương trình cũng chính là một hình thức cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, công dân đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Với Thượng tọa Lý Hùng, Ủy viên Hội đồng Trị sự - Phó ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế Giáo hội Phật giáo Cần Thơ, Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (tên tiếng Việt là Viễn Quang, tại TP Cần Thơ); cơ duyên đến với chương trình từ mối quan tâm đặc biệt tới công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Ngay từ cái tên bài viết “Nhà tu hành tinh thông cả giáo lý và pháp lý” của tác giả Đình Thương đã khiến nhiều bạn đọc kinh ngạc. Nhiều người còn khâm phục hơn nữa khi biết kinh nghiệm hòa giải trong đồng bào Khmer của Thượng tọa Lý Hùng. Muốn trợ giúp phải hiểu đặc tính vùng miền, ngôn ngữ, vận dụng cái lý, cái tình sao cho hài hòa, thuyết phục. “Để hòa giải, trợ giúp phải chọn điểm chùa mời dân lại phân tích, giải thích pháp luật. Sử dụng tiếng Việt là chưa đủ mà phải dùng tiếng Khmer. Sở dĩ phải chọn điểm chùa để hòa giải vì chùa là trung tâm cộng đồng của đồng bào Khmer, khi sinh ra, lớn lên và cho đến khi chết đi đều gắn bó với chùa. Vai trò của chùa và sư sãi với đồng bào dân tộc như sợi dây liên kết không thể thiếu. Trong niềm tin của đồng bào dân tộc, chùa là nơi tín ngưỡng rất linh thiêng và họ rất tin tưởng nên chọn chùa là nơi hòa giải rất thích hợp, đạt hiệu quả cao hơn”, bài viết có đoạn.
Nói về thiện cảm với chương trình “Gương sáng Pháp luật”, Thượng tọa Lý Hùng kể: “Với ngành Tư pháp và Ngày Pháp luật 9/11, tôi có những kỷ niệm sâu sắc. Tôi từng có thời gian gần 10 năm gắn bó với công tác trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cần Thơ (cũ). Vốn có nền tảng kiến thức pháp luật, tôi đã có điều kiện góp sức mình trong hoạt động tư pháp, trong công tác trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở trong đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer. Những bước đi đầu tiên đó tạo điều kiện cho tôi nghiên cứu, học tập và trở thành người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Khmer, Phật giáo Nam tông. Tôi mong có nhiều hơn nữa những chương trình ý nghĩa như “Gương sáng Pháp luật”, để động viên những tấm gương tiêu biểu, để kiến thức pháp lý ngày càng được người dân am hiểu nhiều hơn, hạn chế mức thấp nhất vi phạm pháp luật, xã hội ngày càng tốt đẹp”.