Những “ngã rẽ” khó lường
Theo đó, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật do trẻ vị thành niên gây ra tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ phạm tội nguy hiểm hơn, gây hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ là dùng bạo lực giải quyết những mâu thuẫn cá nhân mà nguy hiểm hơn là trộm cắp, cướp giật, hành hung thậm chí giết người, cướp tài sản, mua bán, tàng trữ các chất ma túy…
Thủ đoạn phạm tội của những đối tượng này không còn đơn giản là bồng bột, thiếu suy nghĩ, muốn thể hiện cái “tôi” cá nhân mà đã có sự tính toán và chuẩn bị kĩ lưỡng, phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi, nhiều vụ rất dã man và mất hết nhân tính.
Địa bàn hoạt động của tội phạm vị thành niên không chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà còn xuất hiện ở tỉnh lẻ, vùng nông thôn, thậm chí là vùng sâu, vùng xa. Tỉ lệ phạm tội không chỉ tập trung ở nam giới mà có cả một bộ phận nữ giới tham gia vào hành vi phạm tội.
Không khó để bắt gặp những tin tức, bài viết về những vụ án do trẻ vị thành niên gây ra trên các phương tiện thông tin đại chúng như nữ sinh lớp 9 giết bạn học ở Hưng Yên, nam sinh dùng dao giết người khi mới 15 tuổi ở Bình Phước…
Điển hình nhất là vụ thảm án tiệm vàng Ngọc Bích tại Bắc Giang, tên sát nhân Lê Văn Luyện phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi gây chấn động dư luận trong một thời gian dài, làm tốn không ít giấy mực của báo chí… Và hàng loạt vụ án nghiêm trọng khác đã cho thấy việc trẻ hóa tội phạm đang là một tiếng chuông cảnh báo đối với gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phạm tội ở trẻ vị thành niên gia tăng, hoàn cảnh gia đình là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất. Không ít các bậc cha mẹ vì “cơm áo gạo tiền” mà thiếu sự quan tâm đến việc chăm sóc và giáo dục con cái, uốn nắn nhân cách của con.
Thêm vào đó, phụ huynh quá nuông chiều hoặc quá kì vọng vào con cái cũng đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phạm tội của trẻ. Và một con số không nhỏ là những em có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ ly hôn, đi tù hoặc nghiện ma túy... Khi ấy, các em bị bật ra ngoài va chạm với cuộc sống, tiếp xúc với tệ nạn xã hội khi còn quá non nớt để rồi phải vướng vào vòng lao lý, đánh mất cả tuổi trẻ, tương lai.
Ngoài ra, sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng là nguyên nhân khiến một bộ phận giới trẻ lâm vào tình trạng sống ảo, nhận thức lệch lạc về giá trị cuộc sống, bị lôi cuốn vào các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực, uống rượu bia, “chơi” ma túy… rồi vướng vào vòng lao lý lúc nào không hay.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội gia tăng nhanh chóng như hiện nay là do các em chưa có sự hiểu biết nhất định về luật pháp, chưa ý thức được rằng những va chạm bình thường có thể dẫn đến hành vi phạm tội rất nhanh, từ đó dẫn đến những hậu quả pháp lý như: Chịu trách nhiệm hình sự, vào tù…
Kênh riêng: Tại sao không?
Có một sự thật là chúng ta đang còn rất hạn chế trong các hoạt động, giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn xã hội cho học sinh. Tại cấp học phổ thông, chúng ta chỉ có môn Giáo dục công dân nhưng môn này thường bị các em xem nhẹ, bỏ qua. Hay như môn Pháp luật đại cương ở bậc đại học cũng vậy.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng có quá ít các chương trình về giáo dục luật pháp hoặc có những nội dung khô khan, cứng nhắc không tạo được hứng thú đối với người xem. Do đó, câu hỏi đặt ra ở đây là: Chúng ta có nên xây dựng các kênh chuyên về giáo dục pháp luật cho đối tượng trẻ vị thành niên hay không?
Để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tú – Công ty Luật TNHH Fanci. Theo ông Tú, vị thành niên là trẻ ở độ tuổi từ 10-18 tuổi, trong giai đoạn này sẽ có nhiều biến động và phát triển phức tạp hơn về tâm, sinh lý so với các giai đoạn khác. Hành động khá nhạy cảm, nhiều trẻ sẽ bộc lộ bằng cách nổi loạn.
Luật sư Nguyễn Văn Tú – Công ty Luật TNHH Fanci |
Nếu quá trình giáo dục ở nhà trường và gia đình không đúng cách, không được giáo dục về luật pháp thì trẻ vị thành niên sẽ có chiều hướng nguy hiểm cho xã hội. “Tôi hoàn toàn đồng ý với phương án này, trẻ em không được tiếp cận đến pháp luật có hành vi xấu một phần do chính chúng ta chưa làm tròn nhiệm vụ truyền tải, giáo dục pháp luật cho trẻ vị thành niên.
Phổ biến pháp luật trên các phương tiện truyền thông đại chúng là nhiệm vụ của toàn xã hội, đây cũng phương án tổng quát nhất để các em có thể tiếp cận đến pháp luật phù hợp với lứa tuổi của mình. Tiếp cận thông tin pháp luật để các em ý thức được hành vi của mình, làm cơ sở để giảm số lượng và mức độ hành vi nguy hiểm cho xã hội của trẻ vị thành niên.
Ngoài ra, chúng ta nên thực hiện các chương trình giáo dục pháp luật trực tiếp tại nhà trường, các chương trình ngoại khóa đều đặn hàng tháng, hàng quý, chuyên đề giáo dục phù hợp với lứa tuổi. Người tiến hành phổ biến phải là các chuyên gia pháp lý, luật sư am hiểu về tâm lý trẻ vị thành niên”, ông Tú nói.
Thầy Bùi Gia Nội (Hiệu trưởng Trường Phổ thông chất lượng cao Hùng Vương) cho rằng, việc xây dựng các kênh truyền thông pháp luật là hành động vô cùng thiết thực. Thầy cho hay, đôi khi các bậc cha mẹ, thầy, cô giáo cũng không nắm rõ về luật chứ không riêng bản thân các em ở độ tuổi này.
“Trong nhiều năm đi dạy, tôi biết nhiều trường hợp các em vì mâu thuẫn cá nhân mà xảy ra xô xát, ẩu đả mà không hề biết mình đang mắc phải tội cố ý gây thương tích, hoặc nghĩ mình chưa đủ tuổi để truy cứu trách nhiệm hình sự. Chúng ta hiện nay vẫn còn quá chú trọng đến kiến thức mà quên mất giáo dục về kỹ năng. Trẻ trong độ tuổi vị thành niên đang trong giai đoạn tâm, sinh lý chưa được ổn định, nếu được quan tâm và định hướng tốt thì những hành vi phạm tội sẽ được giảm đi”, thầy Nội chia sẻ.
Là một bà mẹ có con đang trong độ tuổi vị thành niên, chị Thân Ngọc Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ những bất an, lo lắng trước tình trạng trẻ em vị thành niên vi phạm pháp luật ngày càng tăng. Chị rất mong muốn con em mình cũng như các bạn cùng trang lứa được tiếp cận với kiến thức pháp luật, từ đó có nền tảng để các bạn xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh.
“Tôi thấy việc có kênh truyền thông về pháp luật cho lứa tuổi vị thành niên trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng là một giải pháp hay. Tuy nhiên, để xây dựng được một chương trình có thể thu hút được sự quan tâm của các em hoàn toàn không phải là chuyện dễ dàng. Tôi mong rằng sẽ có những chương trình đáp ứng được nhu cầu, đánh trúng tâm lý của lứa tuổi và đảm bảo nội dung về pháp luật khiến cho các em cảm thấy có hứng thú”.
Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội, đặc biệt là sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Hơn bao giờ hết, trước thế giới ảo thời 4.0, chưa kể cuộc sống đời thường xô bồ, phụ huynh cần phải coi trọng việc quản lý, giáo dục con em mình, đồng thời hãy quan tâm, chăm lo toàn diện cho thế hệ trẻ, nhất là trẻ vị thành niên.
Hướng các em đến một cuộc sống lành mạnh, tươi sáng, đừng vô tình đẩy các em vào con đường phạm pháp. Có như vậy, tuổi học trò của các em sẽ luôn được nhớ tới với những kỉ niệm đẹp, trong sáng và hồn nhiên đi theo cuộc đời mỗi người...