Quang cảnh buổi phổ biến giáo dục pháp luật vùng biên giới, hải đảo. |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ nhân dân vùng biên giới hải đảo giai đoạn 2017 – 2021”, hiện tại cả nước ta có 28 tỉnh, thành phố giáp biển, tổng số 112 cửa sông, 86 cảng cá, khoảng 110.000 tàu cá với gần 1 triệu ngư dân thường xuyên làm ăn trên biển.
Riêng các tỉnh phía Nam có bờ biển dài trên 780km (chiếm 23% chiều dài cả nước) với vùng biển rộng khoảng 297.000km2. Đây là vùng giáp biển Đông và Vịnh Thái Lan, giữ vị trí chiến lược về kinh tế, an ninh, quốc phòng của đất nước, là tuyến hàng hải đường thủy quan trọng giữa các địa phương trong nước với quốc tế.
Trong nhiều năm qua, tình hình vi phạm pháp luật của ngư dân trên vùng biển vẫn thường xuyên xảy ra. Cụ thể, trong năm 2019, tình hình tàu cá và các ngư dân vi phạm trên vùng biển nước ngoài xảy ra 78 vụ (giảm 39 vụ so với cùng kỳ năm 2018); tàu cá và ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển nước ta xảy ra hơn 2.000 lượt (giảm 1.116 lượt so với năm 2018).
Trong 3 năm gần đây, các đơn vị BĐBP, Hải quân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư đã phát hiện hơn 9.000 tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam; trong đó tổ chức xua đuổi gần 6.800 tàu; phạt xử lý cảnh cáo, phóng thích 261 tàu/1.300 ngư dân nước ngoài. Ngược lại, ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài bị phát hiện xử lý 338 vụ/4.417 ngư dân.
Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn (thứ 3, phải qua), Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Phó trưởng ban chỉ đạo đề án trao đổi với các ngành liên quan. |
Song song đó, thời gian gần đây, lợi dụng cơ chế chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa nên tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biển diễn biến hết sức phức tạp. Tính từ đầu năm đến nay các lực lượng đã phát hiện, xử lý gần 86.000 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 6.165 tỷ đồng; khởi tố 1.311 vụ với 1.546 đối tượng.
Hiệu quả rõ nét nhất đạt được từ triển khai thực hiện đề án tuyên truyền Phổ biến giáo dục Pháp luật (PBGDPL) đã phát huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân, tập trung xây dựng và duy trì tốt các mô hình, cách làm hay, sáng tạo giúp người dân biên giới hải đảo hiểu thêm về pháp luật. Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên, các vụ vi phạm đã giảm, trong đó tội phạm buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại, tội phạm ma túy đã có bước chuyển biến rõ rệt.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền PBGDPL có thời điểm còn gặp khó khăn do những đặc thù trong cuộc sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh nhân dân BGHĐ là đi biển dài ngày, chính vì thế ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận ngư dân còn chậm, số liệu vi phạm giảm về mọi mặt nhưng vẫn chưa bền vững. Song song đó, giữa BĐBP và các lực lượng khác cũng như chính quyền địa phương trong việc trao đổi thông tin và đấu tranh phòng chống tội phạm có lúc chưa kịp thời.
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật vùng BGHĐ cần được chú trọng hơn nữa. |
Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Phó trưởng ban chỉ đạo đề án chỉ đạo: “Trong thời gian tới tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc quyết định, chỉ thị, chỉ đạo của Thủ tướng, Ban chỉ đạo 389, Bộ Quốc phòng,... vì trên thực tế tình hình các tuyến BGHĐ nước ta vẫn còn nhiều diễn biến hết sức phức tạp; nhất là tình hình chủ quyền về BGHĐ. Chính vì thế ban chỉ đạo đề án tại địa phương cần triển khai nghiêm túc, sâu rộng hơn nữa đến người dân về khai thác đánh bắt thủy sản và nghiêm cấm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại”.