“Vị vua” cuối cùng ở Việt Nam bị vợ… đuổi ra ngoài đường

(PLO) - Khi “vua lửa” thứ 14 Siu A Luynh qua đời, phụ tá thân cận Rơ Lan Hieo (SN 1955) được chọn nối ngôi vương, làm “vị vua” thứ 15.  Ít ai biết, vị vua này lại có một số phận đáng buồn như vậy trong những ngày cuối đời
Người dẫn đường Siu Bin trèo lên núi Chư Tao Yang, nơi  các “vua lửa” cất “gươm thần”.
Người dẫn đường Siu Bin trèo lên núi Chư Tao Yang, nơi các “vua lửa” cất “gươm thần”.
“Vua” không ngai 
“Vua lửa” Rơ Lan Hieo vẫn được người dân làng Plei Ơi, xã Ayun  Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai hết lòng kính nể. Bởi lẽ, hiện tại theo họ, ông là người duy nhất có thể điều khiển “gươm thần”, “hô mưa gọi gió”.
Trước đây, Hieo làm phụ tá cho “vua lửa” thứ 14 Siu A Luynh. Theo phong tục của làng, người được truyền ngôi vua phải thuộc dòng họ Siu. Tuy nhiên, vua A Luynh không có con trai nên trao lại “ngai vàng” lại cho Hieo.  
Dù mang danh phận là “vua” nhưng Hieo phải sống rất khổ cực. Trong căn nhà sàn xiêu vẹo, tài sản của ông chẳng có gì đáng giá ngoài 2 bộ quần áo đã bạc màu và mấy chiếc nồi đen đúa treo bên bếp. Hằng ngày, “vua” phải làm các công việc nặng nhọc như đốt than, nhổ mì, phát rẫy…để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Thời gian gần đây, vợ chồng “vua lửa” thường xuyên xảy ra xích mích. Khi nghe người làng đồn vợ mình có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác, “vua” hỏi chuyện thì bị đuổi ra khỏi nhà. Cuộc sống vốn đã khổ cực, thiếu thốn trăm bề, nay thêm buồn chán chuyện gia đình nên làm được mấy đồng, “vị vua không ngai” này lại dốc hết vào rượu chè. 
Ông Ksơr Uôh (SN 1940), một người chăn bò và cũng là ân nhân che chở cho Hieo suốt thời gian qua cho biết: “Nhiều khi ông ấy say, nằm vất vưởng ngoài đường, tôi thấy nên dìu về nhà, nấu cháo cho ăn. Vì vợ chồng xích mích chuyện tình cảm mà ông ấy lao đầu vào rượu để giải sầu, buông xuôi bản thân. Dù Hieo mang danh là vua nhưng phải sống cực khổ, cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc. Hơn thế, năm nay Hieo đã 60 tuổi vẫn lang bạt làm thuê làm mướn khắp nơi”. 
Khi “vua” Hieo lên ngôi cũng là khi đập nước ngọt Ayun Hạ được xây dựng, cung cấp đầy đủ nước cho bà con trong việc tưới tiêu. Bởi vậy, ruộng nương không xảy ra tình trạng khô hạn như trước đây, người dân cũng không cần đến việc làm lễ, cầu mưa. Nhiều người dân trong vùng cho biết, đã làm vua thì phải kiêng cữ rất nhiều thứ. Khi Hieo say xỉn bê tha, cũng là khi dân làng không còn công nhận ông là “vua lửa” nữa. 
Dù không có quyền lực, không còn tại vị nhưng Hieo vẫn được bà con tôn sùng. Bởi lẽ, học cho rằng, ông là người duy nhất biết điều khiển “gươm thần”, biết thuật hô mưa gọi gió, có khả năng thiên bẩm dự đoán thời tiết. 
Con đường heo hút dẫn tới chỗ “vua lửa” Rơ Lan Hieo.
 Con đường heo hút dẫn tới chỗ “vua lửa” Rơ Lan Hieo. 
Anh Siu Bắc (SN 1983) cho biết: “Cứ vào dịp nắng nóng, gặp vua lửa đầu trần, chân đất đi lang thang đâu đó là tôi lại mời về nhà. Muốn biết lúc nào trời mưa, chỉ cần rừa sạch chân, mặt và  dội một gáo nước lên đầu thì vua lửa sẽ đoán biết được thời gian trời đổ mưa”. 
Nghe “vua lửa” kể chuyện “gươm thần”
Do buồn chán nên “vua lửa” cuối cùng thường vào ẩn mình trong núi xa, ít khi trở về buôn làng. Để gặp được “vua”, người viết đã nhờ người dân bản địa dẫn đường, vượt qua chặng đường khá dài và hiểm trở.  
Theo lời Hieo, trước kia, gươm thần được các vua lửa cất trên ngọn núi Chư Tao Yang, nơi có hang đá. Khi muốn dùng gươm, các vua lửa phải làm lễ, cúng vái đường hoàng. Thời đó, người dân làng Plei Ơi coi núi Chư Tao Yang là vùng “cấm địa”. 
Họ đồn rằng, nếu ai tự ý bước lên núi là phạm vào chốn linh thiêng và sẽ bị trừng phạt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, gươm đã được Hieo làm lễ, đưa về cất ở nhà bảo tàng gần chân núi Chư Tao Yang. Hiện tại, người dân ở các nơi gần xa cũng thường xuyên lên núi ngắm cảnh và khám phá hang đá ngày xưa từng cất giấu gươm. 
“Vua lửa” Hieo
 “Vua lửa” Hieo  
Nối tiếp câu chuyện về thanh gươm, ánh mắt bà Siu Bian (SN 1958, cháu của vua lửa thứ 14 Siu A Luynh) tỏ vẻ luyến tiếc. Bà chia sẻ: “Bản thân tôi là cháu vua lửa nhưng chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến gươm thần. Có lẽ mai này, các câu chuyện về vua lửa và thanh gươm thần chỉ còn lại trong truyền thuyết của dân làng. Thế nhưng nó là một nét văn hóa độc đáo của làng Plei Ơi nói riêng và của Tây Nguyên nói chung. 
Hiện giờ, vua Hieo đã thoái vị, dân làng gọi gia đình tôi tiếp nhận ngôi vua. Tuy nhiên, chúng tôi không nhận vì không biết điều khiển gươm, không biết thần chú gọi mưa. Hơn thế, giờ nước nôi cung cấp cho ruộng đồng đầy đủ. Bà con cũng chẳng còn phải lo hạn hán như xưa”.