Việc bồi hoàn đất cho người dân ở An Giang, dân kêu, chính quyền né tránh

Báo PLVN ra ngày 17/8/2012 có bài “An giang: Cần xem xét lại việc bồi hoàn đất cho người dân” phản ánh nhiều khuất tất trong bồi thường của UBND huyện Châu Phú trong thu hồi đất để xây cầu Cây Dương so với quyết định của UBND tỉnh.

[links()] Như PLVN đã phản ánh, phát hiện có nhiều khuất tất trong bồi thường của UBND huyện Châu Phú trong thu hồi đất để xây cầu Cây Dương so với quyết định của UBND tỉnh  An Giang, nhiều người dân đã khiếu nại tới các cơ quan nhằm làm sáng tỏ sự việc.

Công trình cầu Cây Dương trên địa bàn huyện Châu Phú - An Giang

Né tránh dư luận

Sau khi PLVN phản ánh, UBND huyện Châu Phú đã mời các hộ dân đến đối thoại và hướng dẫn người dân nộp đơn khiếu nại lên Thanh tra huyện; nhưng đến nay mọi việc vẫn như cũ. Động thái của UBND huyện Châu Phú chỉ là trấn an dư luận và kéo dài việc khiếu nại của người dân. Ngày 15/9/2012, liên hệ công tác với UBND huyện Châu Phú chúng tôi được bà Chánh văn phòng UBND huyện tiếp và chỉ đồng ý làm việc với phóng viên khi có giấy giới thiệu: “Thẻ nhà báo không có giá trị, chúng tôi chỉ tiếp và làm việc khi có giấy giới thiệu hay công văn của báo?”

Sau khi chúng tôi trình giấy giới thiệu, bà Chánh Văn phòng lên lầu…đến 30 phút sau mới quay lại nói: “Lãnh đạo bận họp, các anh để lại nội dung chúng tôi sẽ liên lạc lại hẹn ngày làm việc”. Một tuần sau, bà Chánh Văn phòng điện thoại thông báo: Những nội dung báo chí đặt ra yêu cầu phải được thể hiện bằng công văn và UBND huyện sẽ trả lời bằng công văn. Vì sao UBND huyện lại máy móc đến như vậy?; Để rộng đường dư luận, PLVN nêu lên những nội dung mà người dân đang đi khiếu nại, đó cũng là nội dung mà báo chí muốn đối thoại với UBND huyện.

Lấy tiền Nhà nước bồi thường cho Nhà nước!

Trong Quyết định 2815 ký ngày 5/12/2011, UBND tỉnh An Giang phê duyệt phương án bồi thường có những điểm chính sau: Tổng diện tích thu hồi 3.972,70 m2 do 23 hộ và một cơ quan nhà nước sử dụng gồm: đất ở giáp quốc lộ (đất thổ cư), đất nuôi trồng thủy sản, đất tôn giáo tín ngưỡng. Theo quyết định này, đất những hộ dân ở giáp quốc lộ được công nhận là đất thổ cư, được bồi thường 1,8 triệu đồng/m2.

Nhưng UBND huyện Châu Phú khi đo đạc diện tích của các hộ dân ở giáp quốc lộ thì trừ đi mỗi hộ vài mét đến vài chục mét vuông với lý do đất bảo vệ hành lang lộ giới, không bồi thường. Trong quyết định của UBND tỉnh không có đất bảo vệ hành lang lộ giới thì UBND huyện lấy thẩm quyền gì để cho đó là đất bảo vệ hành lang lộ giới và trừ đi số tiền của người dân đáng ra phải được bồi thường theo Quyết định 2815?. Câu hỏi đặt ra là khi diện tích người dân bị trừ đi thì số tiền bồi thường theo Quyết định 2815 đi về đâu?

Thực tế, trên diện tích đất thu hồi để xây cầu Cây Dương không có đất nuôi trồng thủy sản và đất tôn giáo tín ngưỡng. Trên diện tích đó chỉ có một phần diện tích đất chợ Cây Dương do UBND xã quản lý. Khi thu hồi đất UBND huyện cho rằng diện tích đất chợ này là của UBND xã nên bồi thường cho UBND xã 4,7 tỷ. Điều này khiến dư luận băn khoăn bởi nếu đất chợ là đất công do UBND xã Bình Mỹ quản lý thì khi thu hồi tại sao lại được bồi thường? Xây cầu là công trình công cộng, sử dụng ngân sách Nhà nước, đất công do UBND xã quản lý là đất Nhà nước. Vậy lấy tiền Nhà nước bồi thường cho Nhà nước?

Về câu hỏi này, trao đổi với chúng tôi ông Đỗ Văn Nam- Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang hướng dẫn: “Để xác định phương án bồi thường thì Sở Tài nguyên & Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt phương án. Muốn biết rõ các anh hãy đến tìm hiểu tại Sở”.

Tại Sở TN&MT, chúng tôi được bà Mai Thị Vân Anh - Chánh Văn phòng Sở tiếp cho biết sẽ trình lãnh đạo Sở và trả lời những nội dung báo đặt ra trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm nào từ những cơ quan chức năng chính quyền sở tại?! Số tiền này hiện nay có ai nhận hay chưa thì chưa biết, chỉ biết trên danh sách nhận tiền bồi thường ngoài những hộ dân khiếu nại chưa ký thì phần UBND xã Bình Mỹ không ai ký nhận. Vậy có hay không việc UBND huyện bồi thường cho UBND xã 4,7 tỷ? Số tiền này có thực hay không? Tại sao không ai ký nhận? Câu hỏi dư luận đang chờ Tỉnh ủy và UBND tỉnh An giang trả lời.  

Hành xử thiếu dân chủ

Trong quá trình khiếu nại, một lão nông có con là cán bộ một ngành trong huyện, nên chính quyền huyện Châu Phú đã ép người con buộc cha mình phải giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Thương con, người cha giao mặt bằng cho chính quyền còn mình thì cất một căn chòi khác để ở. Mọi việc khiếu nại ông ủy quyền toàn bộ cho người con dâu. Người con dâu âm thầm đi khiếu nại nhưng sợ…chồng biết.

Tất cả các hộ dân bị giải tỏa nhưng phần diện tích còn lại không nằm trong dự án mà người dân vẫn không sử dụng được. Ông Nguyễn Văn Út cho biết: “Gia đình tôi sống nhờ vào đại lý phân bón thuốc trừ sâu, khi thu hồi đất chính quyền không giải tỏa trắng nên tôi không được bố trí tái định cư. Phần diện tích đất còn lại tôi sửa sang để làm nơi giao dịch mua bán nhưng chính quyền không cho và buộc tôi phải bán lại phần đất đó cho ban quản lý dự án với giá 1,8 triệu/m2”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Chúc nói: “Phần đất con lại chính quyền xuống vận động tôi bán lại. Tôi đồng ý bán nhưng chính quyền bảo tôi phải làm tờ đơn xin bán đất thì họ mới mua? Tôi làm đơn và họ mua với giá bằng giá bồi thường đất cho tôi nhưng họ chỉ trả 70% còn 30% họ giữ lại không biết để làm gì?”. 

Vấn đề tái định cư cho người dân bị thu hồi đất được chính quyền huyện Châu Phú giải quyết như sau: Khu dân cư Đông Bắc-Thị trấn Cái Dầu do một Cty tư nhân đầu tư. UBND huyện liên hệ với Cty này mua lại nền và bán lại cho người dân với giá 1,8 triệu/m2-bằng giá bồi thường. Nhưng không phải hộ nào cũng được “ân huệ tái định cư” này mà chỉ có 13/23 hộ đủ điều kiện để “tái định cư” vào khu dân cư này nhưng chưa xong hạ tầng cơ sở.

Thiết nghĩ, những dấu hiệu khuất tất mà dư luận đang quan tâm khi xây cầu Cây Dương cần được chính quyền chức năng tỉnh An Giang sớm giải quyết dứt điểm, tránh khiếu kiện kéo dài.

Ngọc Long

Đọc thêm