Việc mẹ, tội con

 Không đưa quyết định đến đối tượng bị cưỡng chế là nhà bà Lê Thị Minh (xóm 1, Hương Đại, Vũ Quang, Hà Tĩnh), lực lượng chức trách lại chọn nhà con trai bà Minh là anh Lương Sĩ Đại để tống đạt quyết định. Hậu quả, theo bà Minh là một chiếc cốc bị ném vỡ, cán bộ huyện bỏ về và ngày hôm sau anh Đại bị “tống giam” vì tội “chống người thi hành công vụ”.

Không đưa quyết định đến đối tượng bị cưỡng chế là nhà bà Lê Thị Minh (xóm 1, Hương Đại, Vũ Quang, Hà Tĩnh), lực lượng chức trách lại chọn nhà con trai bà Minh là anh Lương Sĩ Đại để tống đạt quyết định. Hậu quả, theo bà Minh là một chiếc cốc bị ném vỡ, cán bộ huyện bỏ về và ngày hôm sau anh Đại bị “tống giam” vì tội “chống người thi hành công vụ”.

743 triệu bị “ngót” thành 522 triệu

Có mặt tại tòa soạn Báo Pháp Luật Việt Nam, bà Minh cho biết, nhà bà thuộc diện bị giải tỏa di dời tái định cư thủy điện Ngàn Trươi – Cẩm Trang. Biên bản áp giá đền bù cho thấy, tổng các khoản mà bà Minh được hưởng để dành đất xây thủy điện là 743 triệu đồng. Giấy đề nghị thanh toán của Ban chuyên trách bồi thường hỗ trợ, tái định cư công trình thủy điện Ngàn Trươi – Cẩm Trang cũng thể hiện số tiền phải xuất toán cho bà Minh như trên.

Sau đó, một phiếu chi cũng được lập ra đồng ý chi số tiền 743 triệu đồng cho bà Minh. Tuy nhiên, phiếu chi này sau đó bị gạch xóa, cán bộ có trách nhiệm nói với bà Minh có sự nhầm lẫn, thực chất số tiền đền bù bà được hưởng là 522 triệu đồng.

Thấy tiền bị “bớt” lên đến 221 triệu đồng, bà Minh không đồng ý nhận. Cũng từ đây, câu chuyện tù đày ập xuống gia đình bà.

Liên tiếp sau đó, UBND huyện Vũ Quang ra ba quyết định cưỡng chế diện tích đất nhà bà Minh. “Khoảng 19h30, trong lúc cả nhà con trai tôi là Lương Sĩ Đại đang ăn cơm thì có ba người tự xưng là cán bộ vào đem quyết định đến nhà. Tôi nói là không chống đối nhưng phải nhận được đúng số tiền 743 triệu đồng như văn bản đã nói”, bà Minh cho biết. Bà Minh cũng đề nghị những người này lên UBND hoặc về nhà bà làm việc nhưng mấy người này vẫn ép bà ký vào.

Đưa quyết định cưỡng chế vào ban đêm, lại đưa vào nhà con trai, bà Minh không đồng tình và bỏ đi. Sau đó, người của huyện Vũ Quang tiến hành lập biên bản sự việc. “Bức xúc trước cách hành xử như vậy – bà Minh nói – Đại đã cầm cốc ném xuống bàn, mảnh vỡ văng vào một người sau này được biết tên là Trần Việt Hà, cán bộ địa chính của huyện”.

Sáng 28/8/2010, anh Đại được Công an huyện Vũ Quang triệu tập và chiều hôm đó Công an huyện Vũ Quang ra quyết định khởi tố Lương Sĩ Đại về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Tiền trảm hậu tấu

Gần hai tháng sau Đại bị bắt giam, ngày 26/10 huyện Vũ Quang mới ra thông báo trả lời việc bị “bớt” số tiền 221 triệu. Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Phạm Hữu Bình nói rằng do “sơ suất”, sau khi phúc tra để áp giá lại, thực chất số tiền bà Minh được đền bù là 522 triệu so với biên bản ban đầu là 743 triệu.

Như vậy, chỉ sau khi con trai bà Minh vướng vào vòng tù tội, huyện Vũ Quang mới đưa ra câu trả lời theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, đẩy người dân vào vòng lao lý.

Để tránh oan sai cho người dân khi khởi tố về tội “chống người thi hành công vụ”, một chuyên gia pháp lý cho biết, cần phải xác định việc đưa quyết định cưỡng chế vào ban đêm có phải là công vụ, và việc làm của ba cán bộ này được cấp lãnh đạo nào giao cho họ thực thi? Tại sao quyết định cưỡng chế đối với bà Minh lại được đem vào nhà anh Đại?

Pháp Luật Việt Nam sẽ phản ánh đến bạn đọc diễn biến mới nhất.

Như Trang

Đọc thêm