Việc thu hồi sổ đỏ của 5 hộ dân Phường Nghĩa Đô có nhiều uẩn khúc?

5 hộ dân là chủ sở hữu hợp pháp khu đất 1263,5m2 trước Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết từ khi khu đất bị thanh tra đến nay vẫn có những nhà đầu tư đề nghị cả 5 hộ dân bán lại khu đất này. Việc các nhà đầu tư chấp nhận mua khu đất cho dù sổ đỏ bị thu hồi khiến các hộ dân đặt nghi vấn phải chăng có người đứng sau sự việc nhằm “cướp đất” của họ?

[links()]5 hộ dân là chủ sở hữu hợp pháp khu đất 1263,5m2 trước Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết từ khi khu đất bị thanh tra đến nay vẫn có những nhà đầu tư đề nghị cả 5 hộ dân bán lại khu đất này. Việc các nhà đầu tư chấp nhận mua khu đất cho dù sổ đỏ bị thu hồi khiến các hộ dân đặt nghi vấn phải chăng có người đứng sau sự việc nhằm “cướp đất” của họ?

Như PLVN đã thông tin, theo kết luận số 3535/KL-UBND ngày 21/8/2012 của UBND Quận Cầu Giấy và Kết luận Kết luận số 1018/KL-TTTP-P4 ngày 3/5/2013 của Thanh tra thành phố Hà Nội thì khu đất của 5 hộ dân thuộc diện đất giao khoán. Nhưng theo thông tin và hồ sơ người dân cung cấp thì thực tế tại thời điểm năm 1993, khu đất nông nghiệp này đã được giao cho người dân sử dụng ổn định, lâu dài theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. “Bản thân Kết luận của Thanh tra Thành phố Hà Nội cũng khẳng định đây không phải là đất 5% (đất công ích) của UBND cấp xã vậy thì UBND phường Nghĩa Đô lấy đâu ra đất nông nghiệp để giao khoán nữa? Các hộ dân khác được giao đất như chúng tôi cũng đều được cấp sổ đỏ, không có tranh chấp gì và chính quyền cũng không bị thu hồi”, bà Thủy khẳng định.

Về vấn đề kết luận số 3535/KL-UBND ngày 21/8/2012 của UBND Quận Cầu Giấy  và kết luận Kết luận số 1018/KL-TTTP-P4 ngày 3/5/2013 của Thanh tra thành phố Hà Nội cho rằng khu đất của 5 hộ dân là “đất trống xen kẽ”, bà Thủy cho rằng: “Chúng tôi cũng đã tìm hiểu các quy định của pháp luật nhưng không thấy có một văn bản pháp luật nào định nghĩa “đất trống” và quy định loại đất này sẽ phải bị thu hồi. Khu đất này là đất nông nghiệp được giao cho các hộ từ năm 1993, đến năm 2005 đã được Thành phố quy hoạch là đất ở thấp tầng, nhà vườn, biệt thự theo Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Tây Hồ Tây, tỷ lệ 1/2000 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 13/2005/QĐ-UB ngày 01/02/2005, trên đất có cả nhà cấp bốn, chính quyền không thể “lập lờ đánh lận con đen” mà gọi khu đất trên thành “đất trống” để rồi thu hồi của chúng tôi”.

Một góc khu đất của 5 hộ dân đã được cấp sổ đỏ bỗng dưng có nguy cơ bị thu hồi
Một góc khu đất của 5 hộ dân đã được cấp sổ đỏ bỗng dưng có nguy cơ bị thu hồi

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Quyên cho biết, UBND phường Nghĩa Đô thông báo sẽ cưỡng chế phá dỡ nhà cấp 4 của 5 hộ dân trên khu đất trước ngày 15/8/2013 song căn cứ để cưỡng chế không thuyết phục bởi dãy nhà cấp 4 đã được xây dựng từ trước khi 5 hộ dân mua lại khu đất từ các xã viên. 5 hộ dân đã nhiều lần làm các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng nhưng UBND quận Cầu Giấy không cấp phép với lý do khu đất đang bị thanh tra.

Đặc biệt, một hộ dân khác là bà Nguyễn Thị Hùy sau khi được cấp sổ đỏ đã chuyển nhượng khu đất của mình cho Ông Lê Văn Thân từ năm 2010 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đã được sang tên cho Ông Thân. Hiện nay, sổ đỏ đã được ông Thân làm tài sản thế chấp vay tiền ngân hàng để có tiền trả bà Hùy; việc mua bán và làm sổ đỏ của ông Thân là hoàn toàn hợp pháp, không hiểu chính quyền căn cứ vào đâu để thu hồi sổ đỏ của ông Thân? Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho những lợi ích mà số tiền hơn 14 tỷ đồng sẽ mang lại cho các hộ dân nếu họ không dùng để nộp vào ngân sách nhà nước từ năm 2009 để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường phần lãi suất mà ông Thân đã phải trả để vay tiền ngân hàng?

Bà Quyên bức xúc chia sẻ: các cuộc họp của 5 hộ dân với chính quyền rất mang tính hình thức, người dân cứ nói, cứ trình bày nhưng Phường thì trả lời: “Quận đã chỉ đạo rồi không làm khác được”, Quận cũng trả lời: “Thành phố đã chỉ đạo rồi không làm khác được”. Rõ ràng, các cơ quan này đang "đá bóng" trách nhiệm, kiến nghị của người dân chỉ như "nước đổ lá khoai"?

Những câu hỏi lớn này đang được người dân đặt ra với các cấp chính quyền. Trong khi đó, các hộ dân cho biết, từ khi khu đất bị thanh tra đến nay vẫn có những nhà đầu tư đề nghị 5 hộ dân bán lại khu đất này. “Họ chấp nhận mua đất kể cả trường hợp bị thu hồi sổ đỏ. Phải chăng có ai đứng đằng sau vụ việc để “thâu tóm” khu đất với mục đích tư lợi”, bà Thủy đặt câu hỏi.

Bức xúc trước việc bỗng dưng bị thu hồi sổ đỏ, các hộ dân đã gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng đồng thời mời luật sư bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Các hộ dân cho biết họ sẵn sàng đưa sự việc tới Tòa án trong trường hợp chính quyền tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi sổ đỏ mà không đưa ra được các căn cứ “thấu lý, đạt tình”.

“Chúng tôi đề nghị chính quyền cung cấp bằng chứng rõ ràng, văn bản, giấy tờ cụ thể nào để chứng minh rằng UBND xã đã giao khoán chứ không phải là giao đất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài, chính quyền không thể nói chung chung như vậy để rồi thu hồi đất của chúng tôi được”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nói.

Để làm sáng tỏ những nghi vấn của người dân đặt ra, nhóm phóng viên PLVN đã nhiều lần liên lạc, đặt lịch làm việc với UBND quận Cầu Giấy và UBND phường Nghĩa Đô.

Vậy chính quyền trả lời như thế nào trước những nghi vấn của người dân? PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Chúng tôi đều đã được cấp GCNQSDĐ hợp pháp nên không thể nói thu là thu được. Việc xin cấp GCNQSDĐ chúng tôi được thực hiện theo đúng hướng dẫn của các đồng chí cán bộ có trách nhiệm. Quy trình, thủ tục xem xét cấp GCN của UBND quận Cầu Giấy có thể có sai sót nhưng đó là trách nhiệm là lỗi của cơ quan nhà nước, cán bộ có liên quan. Quận cứ thanh tra, xử lý kỷ luật đối với những cán bộ sai phạm. Không thể đổ trách nhiệm này sang cho người dân chúng tôi được. Như thế chẳng khác nào “quýt làm mà cam phải chịu", bà Nguyễn Thị Thanh Thủy bức xúc nói.

Nhóm PVĐT

Đọc thêm