Theo phương án hiện tại, việc xây dựng Sân bay Long Thành nhiều khả năng sẽ được giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, thực hiện. Đơn vị này sẽ tự bố trí được khoảng 36.607 tỷ đồng, tương đương 1,566 tỷ USD. Số còn lại 2,628 tỷ USD, ACV sẽ phải vay. Nhiều ý kiến cho rằng, khoản vay này nếu có bảo lãnh Chính phủ sẽ ảnh hưởng đến số nợ công.
Bàn về điều này, Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho hay, các dự án đầu tư đều có yếu tố rủi ro. Nếu được Chính phủ bảo lãnh trong vay vốn thì sẽ giảm rủi ro cho nhà đầu tư, nhưng lại ảnh hưởng đến mức nợ công quốc gia. Nếu vay thương mại, sẽ không liên quan đến nợ công, nhưng nhà đầu tư sẽ chịu nhiều rủi ro hơn. “Để có phương án hợp lý nên vay khoản nào, nhà đầu tư và Nhà nước cần bàn với nhau”, chuyên gia này lưu ý.
TS Võ Trí Thành nhấn mạnh, cá nhân ông đánh giá cao dự án Sân bay Long Thành, tin tưởng dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tốt.
Theo đó, ông Thành cho rằng, với tốc độ phát triển kinh tế, du lịch, thương mại như hiện nay, Sân bay Long Thành lại nằm ở vị trí trung tâm Đông Nam Á nên sản lượng hành khách sẽ rất đông, rất nhộn nhịp. “Riêng đường bay Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã được đánh giá là một trong những đường bay nhộn nhịp của thế giới. Trong tương lai, sẽ còn nhộn nhịp, đông đúc hơn nữa”, lời ông Thành.
Chính vì thế, TS.Thành cho rằng, việc vay thương mại hay bảo lãnh không phải là vấn đề đáng quan ngại, vì khả năng sinh lời, tính hiệu quả kinh tế của dự án này là rất cao.