Viên chức có được... kinh doanh?

Được kinh doanh, được làm ngoài giờ, nhưng làm thế nào để hài hòa giữa “việc công, việc tư” là điều mà phần lớn thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đang băn khoăn ?

Được kinh doanh, được làm ngoài giờ, nhưng làm thế nào để hài hòa giữa “việc công, việc tư” là điều mà phần lớn thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội băn khoăn khi cho ý kiến vào dự án Luật Viên chức trong ngày hôm qua (13/4).

Viên chức có được kinh doanh?

Lo ngại “chảy máu” chất xám
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết,  làm việc ngoài giờ là quyền của viên chức, giúp họ sử dụng tối đa năng lực chuyên môn, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội, điều này cũng phù hợp với Bộ luật lao động hiện hành.

Chia sẻ với ông Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng nên quy định viên chức được làm việc ngoài giờ, nhưng không nên cho họ tham gia điều hành, quản lý cơ sở ngoài công lập.

Ông Thi cũng băn khoăn chuyện nếu để công chức ra ngoài làm thì có đảm bảo thời gian làm việc nhà nước không. Liệu có tình trạng “mượn danh” cơ quan nhà nước ra ngoài làm việc cá nhân không?

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng tỏ rõ sự lo ngại trước thực tế chất xám của viên chức đang “chảy” ra ngoài ngày một nhiều. thậm chí cả  Phó giám đốc Sở vẫn “dứt áo ra đi”.

Khi Luật này có hiệu lực chúng ta phải tính đến chuyện viên chức bỏ cơ sở công lập ồ ạt ra ngoài làm ăn. Điều đó đồng nghĩa ta không thể tuyển dụng, thu hút những người giỏi; không có nhân viên giỏi, tất không có cán bộ giỏi”- Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Luật Viên chức ra đời sẽ tác động trực tiếp đến hơn 1,6 triệu viên chức. Nếu đội ngũ cán bộ, công chức trong hoạt động luôn gắn với thực thi công vụ, gắn với quyền lực Nhà nước, còn đội ngũ viên chức hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công cho xã hội.

Đừng trông chờ “lòng hảo tâm”


Cùng ngày, cho ý kiến vào dự án Luật Người khuyết tật, nội dung được nhiều thành viên Ủy ban thường vụ QH quan tâm là vấn đề tạo việc làm cho đối tượng này.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội, vấn đề này hiện đang có hai loại ý kiến khác nhau.

Loại thứ nhất đồng ý với dự thảo Luật, đó là quy định chính sách khuyến khích DN nhận người khuyết tật vào làm việc.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định khuyến khích như dự thảo Luật là một “bước lùi” so với chính sách của Pháp lệnh về người tàn tật và pháp luật lao động hiện hành. Nếu chỉ trông chờ vào “lòng hảo tâm” của các cơ quan, tổ chức, DN  thì cơ hội có được việc làm của người khuyết tật sẽ rất khó khăn

Do còn những ý kiến khác nhau, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề xuất 2 phương án trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Thu Hằng

Đọc thêm