Viện dẫn “thời hiệu”, UBND huyện Vân Đồn càng lộ rõ sự tắc trách?

Cho rằng thời hiệu 2 năm để yêu cầu được bồi thường đã hết, UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) từ chối thụ lý giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Phạm Thanh Hà (tổ 7B phường Quang Hanh, Cẩm Phả, Quảng Ninh) về việc bị thu hồi đất và cưỡng chế giải phóng mặt bằng (GPMB) sai luật.

Cho rằng thời hiệu 2 năm để yêu cầu được bồi thường đã hết, UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) từ chối thụ lý giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông Phạm Thanh Hà (tổ 7B phường Quang Hanh, Cẩm Phả, Quảng Ninh) về việc bị thu hồi đất và cưỡng chế giải phóng mặt bằng (GPMB) sai luật.

Hành trình 6 năm khiếu nại

Năm 2004, UBND huyện Vân Đồn thu hồi đất rừng, đất lâm nghiệp của ông Phạm Thanh Hà, trú tại xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn (chứ không phải ông Hà trú tại Cẩm Phả) để GPMB, giao cho Cty CP Đầu tư Sông Đà xây dựng khu du lịch sinh thái Sông Đà- Ngọc Vừng; vị trí thu hồi thuộc lô p2, khoảnh 62, tiểu khu 215.

Tháng 3/2005, UBND huyện Vân Đồn cưỡng chế thu hồi đất theo Quyết định trên đối với hơn 12 ha tại khu vực bãi cát Trường Chinh, giao cho chủ đầu tư rồi thì phát hiện, vị trí đất đã cưỡng chế thực tế là tại lô P1, khoảnh 60 mang tên người sử dụng là ông Phạm Thanh Hà (Cẩm Phả). Diện tích này nằm trong 178ha đất rừng mà ông Hà (Cẩm Phả) được UBND huyện Vân Đồn giao vào tháng 8/1994.

Như vậy, UBND huyện Vân Đồn đã sai sót và nhầm lẫn về vị trí thu hồi cũng như chủ sử dụng đất. UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận thực tế này tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 3033/ QĐ- UBND ngày 11/10/2010.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu UBND huyện Vân Đồn đính chính lại Quyết định thu hồi đất năm 2004 (sai vị trí, sai tên chủ sử dụng); hủy bỏ Quyết định cưỡng chế GPMB do dựa vào Quyết định sai sót nêu trên, cưỡng chế GPMB đối với ông Hà không đúng địa chỉ, thực tế người sử dụng đất; lập phương án bồi thường GPMB đối với ông Hà (Cẩm Phả) theo đúng chế độ, chính sách hiện hành.

Chờ được bồi thường đến bao giờ?

Chỉ 5 ngày sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định nêu trên, ông Hà đã có đơn đề nghị UBND huyện Vân Đồn thực hiện những yêu cầu của cấp trên, trong đó có việc: Được tiếp tục sử dụng 100 ha theo hạn mức; được bồi thường công tôn tạo, tài sản trên diện tích 78 ha đất rừng sử dụng vượt hạn mức nếu bị Nhà nước thu hồi 78ha này.

Cuối tháng 10/2010, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản yêu cầu, “UBND huyện Vân Đồn tiến hành rà soát quy hoạch và kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của ông Hà, hướng dẫn ông Hà về thủ tục và triển khai việc giao đất lâm nghiệp cho ông Hà theo quy định nếu hiện trạng sử dụng đất của ông Hà nằm ngoài quy hoạch. Trường hợp hiện trạng sử dụng đất của ông Hà thuộc phạm vi GPMB thực hiện dự án và ông Hà không đủ điều kiện được giao đất lâm nghiệp thì UBND huyện Vân Đồn thực hiện bồi thường cho ông Hà theo đúng chế độ, chính sách”.

Nhưng đến tháng 4/2011, UBND huyện Vân Đồn cũng chưa xác định phần đất nào trong số 178ha đất của ông Hà nằm ngoài quy hoạch để tiếp tục giao sử dụng, phần nào diện tích nào phải bồi thường GPMB để thực hiện dự án. Sự chậm trễ này khiến ông Hà phải tiếp tục có đơn “đề xuất”: “Nếu UBND huyện Vân Đồn thu hồi lại cả 178 ha mà không giao lại, đề nghị phải bồi thường công tôn tạo và tài sản trên đất”.

Điều đáng nói là trong 178ha này, có 17 ha nằm trong dự án Khu Du lịch sinh thái Sông Đà- Ngọc Vừng mà 12ha đất rừng trong số đó (bãi cát Trường Chinh) đã bị UBND huyện Vân Đồn cưỡng chế “oan”.

Theo ông Hà, trên 12ha này có nhiều tài sản như: 3 nhà bạt, nhà ở cho công nhân, nhà kho, bếp, giếng nước, đường đi lát đá, cây cối… đều đã bị mất mát sau cuộc cưỡng chế thu hồi đất vào tháng 3/2005 nên ông Hà đã đề nghị phải bồi thường. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Ninh lại phải có văn bản “gia hạn” cho UBND huyện Vân Đồn thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 20/5/2011.

Từ đó đến nay, ông Hà đã liên tục có đơn đề nghị UBND huyện Vân Đồn phải thực hiện việc đền bù, GPMB cho diện tích đất rừng đã được cấp năm 1994, UBND huyện Vân Đồn cũng có nhiều cuộc họp và đi công tác thực địa nhưng mọi việc vẫn “dẫm chân tại chỗ”.

Bất ngờ, ngày 16/4/2013, UBND huyện Vân Đồn lại có công văn cho rằng, ông Hà có đơn đề nghị được bồi thường đề ngày 4/1/2013 là đã quá thời hiệu (vì Luật Bồi thường trách nhiệm của Nhà nước quy định thời hiệu đòi bồi thường là 2 năm kể từ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ trái pháp luật- trong trường hợp này là Quyết định 3033/ QĐ- UBND ngày 11/10/2010).

Về nhận định trên, một số luật sư cho rằng, “tất cả các đơn của ông Hà đều có bản chất, nội dung là “đòi bồi thường”. Nếu có khác thì Đơn đề nghị của ông Hà vào tháng 4 vừa qua có trích dẫn thêm quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để việc giải quyết được kịp thời, đúng quy trình. Với việc viện dẫn thời hiệu “2 năm” như trên, UBND huyện Vân Đồn đã không nhìn rõ vào bản chất của việc “bồi thường” trong vụ việc này mà chỉ chú trọng vào “câu chữ” của đơn bồi thường.”

Viện dẫn trên còn càng cho thấy sự thiếu tích cực của UBND huyện Vân Đồn trong việc sửa chữa, khắc phục cái sai của mình.

Khoa Lâm

Đọc thêm