Phiên tòa phúc thẩm xảy ra hai bất ngờ khi VKS rút truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” còn Tòa án thì không chấp nhận việc đổi tội của cơ quan truy tố.
Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh việc các cơ quan tố tụng huyện Gia Lâm, TP Hà Nội truy tố và xét xử đối với bị cáo Nguyễn Nam Bình, một lái xe taxi của Cty Cường Thịnh, về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là không có căn cứ. Vì, chiếc xe là tài sản của bị cáo góp vốn cùng mua và đứng tên sở hữu là Cty Cường Thịnh. Ngày 19/12/2012, TAND TP Hà Nội đã xét xử phúc thẩm vụ án này.
Tại phiên tòa phúc thẩm, sự việc cũng vẫn được mô tả trung thực qua lời khai của bị cáo và các tài liệu trong hồ sơ được Tòa án, VKS và luật sư viện dẫn. Theo đó, Nguyễn Nam Bình đã góp hơn 218 triệu đồng để mua chiếc xe ô tô Kia Morning trị giá 380 triệu đồng, đứng tên Cty Cường Thịnh. Cty giao cho Bình quản lý, sử dụng xe và hàng tháng phải trả góp tiền mua xe, tiền phí sử dụng thương hiệu và bộ đàm. Kể cả khi để xe ở nhà thì Bình vẫn phải đóng tiền theo thỏa thuận.
Vì lý do này nên khi Khúc Thế Mạnh đề nghị được thuê xe tự lái và trả tiền 800 nghìn/ngày, Bình đồng ý vì lý do “vừa có tiền thuê xe, vừa được nghỉ ngơi”. Ngày 24/10/2011, Khúc Thế Mạnh đề nghị được sử dụng xe cầm cố để vay tiền trong thời gian 10 ngày, Bình cũng đồng ý.
Sau khi hết thời hạn mượn xe để cầm cố, Bình đến đòi xe thì Mạnh không trả được và trốn mất. Vì thế, Nguyễn Nam Bình đã báo với Công ty và trình báo Công an huyện Gia Lâm về sự việc để Công an giúp truy tìm và thu hồi xe. Sau khi gia đình Khúc Thế Mạnh đồng ý trả tiền cho anh Nguyễn Đức Duy, người cho vay tiền và nhận cầm cố xe, anh Duy đã giao nộp xe cho Công an để trả cho Cty Cường Thịnh và Nguyễn Nam Bình.
Trong thời gian xe bị giữ, Bình vẫn nộp tiền đầy đủ cho Cty. Số tiền mà Khúc Thế Mạnh thuê xe để cầm cố Bình vẫn chưa được trả. Như vậy, Nguyễn Nam Bình là người duy nhất trong vụ án này bị thiệt hại vì xe bị chiếm giữ, không thể sử dụng được. Cty Cường Thịnh được xác định là người bị hại của vụ án không bị thiệt hại gì vì họ không mất xe, cũng chẳng mất tiền.
Vì lý do trên, tại phiên tòa ngày 19/12/2012, đại diện VKSN TP Hà Nội đã kết luận rằng, việc các cơ quan tố tụng huyện Gia Lâm buộc tội Nguyễn Nam Bình “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là không có căn cứ. Đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị chuyển tội danh và xử phạt Bình 12 đến 15 tháng tù về tội “Sử dụng trái phép tài sản”.
Những tưởng với đề nghị trên của VKS, “người bị hại” thật sự của vụ án này sẽ thoát khỏi án oan 8 năm tù giam nhưng, Tòa án đã đưa ra một quyết định bất ngờ không kém đề nghị của VKS, đó là… “y án” về tội danh và chỉ giảm 2 năm tù cho bị cáo bằng việc sửa khung hình phạt từ khoản 3 xuống khoản 1 và xử phạt Bình 6 năm tù giam.
Bao nhiêu hy vọng đến với Bình và gia đình từ lời đề nghị của VKS đã bị dập tắt trong khoảnh khắc. Nước mắt trào ra trong đôi mắt người vợ trẻ của Nguyễn Nam Bình. Luật sư Lê Văn Đài, người bào chữa cho bị cáo Bình cũng không thể dấu được sự ngạc nhiên trước phán quyết của Tòa án. Theo Luật sư Lê Văn Đài, việc VKS đề nghị xét xử tội danh khác cũng giống như việc rút truy tố đối với tội danh đã truy tố trong cáo trạng.
Do đó, việc Tòa án xét xử tội danh nặng hơn tội danh truy tố là không đúng pháp luật. Hơn nữa, trong vụ án này, có đủ căn cứ xác định Nguyễn Nam Bình bị truy tố oan và kết luận của VKS tại phiên tòa là một trong những cơ sở cho thấy, Bình thực sự bị oan. Nhưng, không lẽ việc giải oan cho một con người lại khó đến thế?
Khải Hoàn