Viện mắt Sài Gòn hầu tòa vì chữa mắt lành thành mù

TAND TP.HCM vừa mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án mà bị đơn là bệnh viện mắt Sài Gòn, bị cáo buộc làm mù mắt một bệnh nhân là Việt kiều Mỹ.
Ông Thông cáo buộc bệnh viện mắt Sài Gòn đã làm ông mù mắt
Ông Thông cáo buộc bệnh viện mắt Sài Gòn đã làm ông mù mắt
Chữa mắt lành thành mắt mù
Theo đại diện của ông Nguyễn Hữu Thông (54 tuổi, Việt kiều Mỹ), tháng 6/2009, ông Thông về Việt Nam chơi. Thấy mắt hơi mờ nên ông đến bệnh viện mắt Sài Gòn (chi nhánh bệnh viện mắt Thái Thành Nam) khám. Các bác sĩ ở đây chẩn đoán ông Thông bị đục thuỷ tinh thể và tư vấn phẫu thuật bằng phương pháp Phaco IOL với giá gần 8 triệu đồng.
Ngày 5/6/2009, bệnh nhân được phẫu thuật và bác sĩ nói 1 tuần sau tái khám. Tuy nhiên, chỉ 4 giờ sau khi về nhà thì ông thấy mắt mờ dần và đến sáng hôm sau thì... mù hẳn.
Hoảng hốt, ông Thông nhờ người thân đưa trở lại bệnh viện. Các bác sĩ kết luận chỉ bị phù giác mạc, biến chứng bình thường sau khi mổ mắt, khoảng 1 tuần sau thì sẽ trở lại bình thường. Ông Thông nghe lời và về uống thuốc theo toa bác sĩ đã kê nhưng vẫn không nhìn thấy gì.
Gần 1 tuần sau, ông Việt kiều Mỹ đến bệnh viện Mắt khám lại và được chẩn đoán bị loạn dưỡng giác mạc, loét giác mạc nếu không chữa trị kịp thời có nguy cơ bị mù vĩnh viễn. Bác sĩ nói thêm, bệnh viện Việt Nam chưa thể thay giác mạc.
Quá lo lắng, ông Thông đành bay về Mỹ để tiến hành điều trị. Sau khi khỏi bệnh, ông Thông gửi đơn kiện bệnh viện mắt Thái Thành Nam yêu cầu bồi thường 80.000 USD (gần 1,7 tỷ đồng) gồm các khoản chi phí điều trị, đi lại và thiệt hại về thu nhập.
Bệnh viện nói không sai
Trong phiên sơ thẩm vụ kiện, có mặt tại toà, nguyên đơn nói rằng khi trở về Mỹ, ông vẫn thông báo cho bệnh viện và các bác sĩ tình hình bệnh tật bị biến chứng.
Theo nguyên đơn, các bác sĩ bệnh viện mắt có nói “cứ điều trị bên Mỹ cho lành bệnh, có gì sau này sẽ giải quyết chi phí”. Sau đó, bệnh viện hỗ trợ 8.500 USD rồi nâng lên 25.000USD nhưng ông Thông không đồng ý, vì con số này quá nhỏ so với số tiền đã bỏ ra để chữa mắt.
Đại diện bị đơn là bệnh viện mắt Sài Gòn - chi nhánh bệnh viện mắt Thái Thành Nam thì khẳng định bệnh viện không sai nên không bồi thường. Trước khi mổ, các bác sĩ đã nói mổ Phaco IOL có tỉ lệ nhỏ bị biến chứng và có thể bị ảnh hưởng sau phẫu thuật và ông Thông đã đồng ý.
Sau khi mổ, trong khi bệnh viện đang chăm sóc sau phẫu thuật theo quy trình thì ông tự ý bỏ sang Mỹ chữa trị. Đại diện bệnh viện khẳng định đơn vị của mình hoàn toàn có thể chữa trị được nếu ông Thông bị biến chứng.
Theo giám định của Viện Pháp y Quốc gia - Phân viện TP.HCM quá trình phẫu thuật không mô tả chi tiết các thông số kỹ thuật, trước khi cho bệnh nhân ra viện, bác sĩ không khám lại sau mổ và không kiểm tra thị lực mà chỉ ghi chung chung là tình trạng ổn định. Việc theo dõi bệnh nhân sau khi mổ không theo quy định trong quy trình phẫu thuật Phaco do chính bệnh viện mắt Sài Gòn ban hành.
Bệnh viện mắt không đồng ý với kết quả giám định này vì cho rằng nó không đúng với điều 74, Luật Khám chữa bệnh năm 2009.
Sau khi nghe 2 bên trình bày và tiến hành hội ý, HĐXX quyết định tuyên án vào ngày 1/4.

Đọc thêm