Viện trưởng VKSNDTC xin lỗi người bị oan sai: Cần nhưng chưa đủ

(PLO) - Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình đã nói lời xin lỗi khi truy tố oan công dân Nguyễn Thanh Chấn về tội “Giết người” trên diễn đàn Quốc hội trong phiên thảo luận toàn thể về báo cáo giám sát thực trạng oan sai trong tố tụng hình sự. Ông Bình còn cho rằng việc xin lỗi là cần nhưng chưa đủ!
Toà Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội xin lỗi ông Nguyễn Thanh Chấn.
Toà Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội xin lỗi ông Nguyễn Thanh Chấn.
Đừng để phải “xin lỗi” và “nhận trách nhiệm” 
Viện trưởng Nguyễn Hoà Bình còn nói lên nỗi lòng xót xa, nuối tiếc: “Khi có một vụ oan sai xảy ra, bản thân tôi cũng đau như nỗi đau của người bị oan, sai và gia đình của họ”. 
Chúng ta thẳng thắn ghi nhận: vị lãnh đạo cao nhất của cơ quan công tố đã bày tỏ trách nhiệm của mình khi thuộc cấp gây oan sai cho người vô tội đã phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, công khai xin lỗi người bị oan sai là thái độ cầu thị, đáng trân trọng. Có thể nói đây là bước tiến rất đáng ghi nhận trong hoạt động tư pháp trên bước đường trưởng thành của Nhà nước pháp quyền. 
Tuy vậy, lời xin lỗi chỉ là khởi điểm thể hiện tinh thần trọng pháp, lấy dân làm gốc. Về lâu về dài cần phải quyết liệt “tái cơ cấu” bộ máy tư pháp. Không dừng lại ở lời xin lỗi mà còn phải có trách nhiệm bồi thường thỏa đáng tổn thất về vật chất lẫn tinh thần cho người bị hàm oan! Khắc phục hậu quả đối với người vô tội nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. 
Dứt khoát mạnh mẽ làm thay đổi diện mạo bộ máy bảo vệ công lý, lấy quyền con người làm trọng tâm kịp thời đào tạo đội ngũ điều tra viên (ĐTV), kiểm sát viên (KSV), thẩm phán (TP) giỏi chuyên môn, xây dựng đội ngũ cán bộ tiến hành tố tụng có đủ phẩm chất đảm đang công vụ được giao phó. Phải chế tài tới nơi tới chốn đội ngũ  cán bộ ngành Tư pháp gây oan sai cho người vô tội. 
Mặt khác, người gây oan sai trong tố tụng hình sự phải bị điều tra, truy tố, xét xử công minh để răn đe, giáo dục những công bộc làm oan sai. Người gây ra oan sai phải bồi thường đầy đủ thiệt hại cho người bị oan sai từ tiền của chính người gây oan sai, không được lấy tiền ngân sách thanh toán cho người bị oan sai. Không thể xuất tiền trong ngân sách nhà nước trả cho người bị oan sai vì tiền trong ngân sách nhà nước là tiền thuế của nhân dân!
Người nào gây thiệt hại thì phải bỏ tiền túi ra bồi thường!
Trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội) thẳng thắn: “Trước dư luận cho rằng cá nhân cán bộ tố tụng làm oan nhưng Nhà nước lại phải dùng tiền ngân sách để bồi thường là không hợp lý, ông Quyền cho biết về nguyên tắc thì Nhà nước phải bồi thường. Không bao giờ có việc bồi thường tay đôi giữa công chức với người bị oan cả. Công chức phải bồi hoàn lại nếu có lỗi cố ý gây ra thiệt hại… 
Tuy nhiên, ông Quyền cũng cho rằng rất khó xác định lỗi cố ý và vô ý của công chức bởi vì “người ta luôn đổ do năng lực hạn chế”. Việc làm oan có thực sự do năng lực hạn chế hay do tinh thần trách nhiệm hoặc thậm chí do tiêu cực, cố ý thì cái đó chứng minh trong tố tụng hình sự rất là khó… Ông Quyền cũng cho rằng nước ta cần phải nghiên cứu lại là có nên quy định như thế hay không bởi dùng tiền ngân sách thì chính người dân bị thiệt hại. 
Mặt khác, muốn Nhà nước không phải lấy ngân sách bồi thường thì phải chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, thanh - kiểm tra, kỷ luật... của cả bộ máy nhà nước.
Theo tôi, không nên phân loại hành vi làm oan sai là do lỗi vô ý hay cố ý để giải quyết bồi thường mà áp dụng nguyên tắc: người nào gây thiệt hại thì phải bỏ tiền túi ra bồi thường cho người thiệt hại. Có như vậy mới hợp với lẽ công bằng, tại sao người phạm tội do lỗi vô ý như tội “vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, tội “vô ý làm chết người”… chẳng những phải bồi thường về trách nhiệm dân sự mà còn bị phạt tù?
Lẽ nào để “bụng làm” (người gây ra oan, sai) mà “dạ chịu” (người dân nai lưng nộp thuế để thanh toán thay cho công chức “năng lực hạn chế” làm oan sai). Những cán bộ tiến hành tố tụng (THTT) nào tự nhận thấy năng lực chuyên môn yếu kém phải sớm tự nguyện “rũ áo từ quan”, “về vườn đuổi gà”, không “tự xử” “thoái vi điền” thì phải sa thải. Kịp thời nâng cao năng lực chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp đội ngũ cán bộ THTT, loại bỏ không thương tiếc những “con sâu làm rầu nồi canh” trong bộ máy công quyền.
Cần chuyển gánh nặng bồi thường oan sai từ ngân sách do “ai đó” tạo oan sai, nên buộc các cán bộ THTT (ĐTV, KSV, TP) phải mua bảo hiểm để chi trả oan sai mà chính họ đã gây ra. 
Thiết nghĩ, nên quyết liệt xử lý triệt để cơ quan nào, người nào gây oan sai ở tất cả mọi giai đoạn tố tụng. Oan sai ở giai đoạn nào thì xử lý người có trách nhiệm gây ra oan sai ở giai đoạn đó. Tất cả những cán bộ liên quan tới gây oan sai phải cùng chịu trách nhiệm. Bởi vì từ kết luận, truy tố đến xét xử sai là một chuỗi oan trái. 
Chẳng hạn, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị  oan sai chẳng những chỉ có Thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm “phải chịu đòn” mà cả hai thẩm phán “cánh gà”, KSV thực hành quyền công tố và những cán bộ THTT trước đó cũng phải cùng chia sẻ trách nhiệm, không thể chỉ có thẩm phán Chiêm chịu làm “vật tế thần”  mà thôi!.

Đọc thêm