Tham dự Khóa họp này có hơn 550 đại biểu từ 46/53 quốc gia thành viên, trong đó có 1 Tổng thống, 1 Thủ tướng, 1 Phó Thủ tướng, 16 Bộ trưởng và Thứ trưởng cùng với Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện các thành viên liên kết và các tổ chức phi chính phủ. Đoàn đại biểu Việt Nam do Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Hải Bằng dẫn đầu đã tham dự Khoá họp.
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) Maria Fernanda Espinoza và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres gửi thông điệp đánh giá khu vực châu Á-Thái Bình Dương thời gian qua đã đạt nhiều tiến bộ trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030, nhất là trên các lĩnh vực giáo dục, năng lượng, giảm nghèo...
Tuy nhiên, vấn đề bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, nước sạch, việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế vẫn đang là những thách thức lớn. Do vậy, các lãnh đạo LHQ mong muốn khu vực đầu tư hơn nữa vào vấn đề xã hội, cải cách thể chế nhằm thúc đẩy tính bao trùm với sự tham gia và hợp tác chặt chẽ từ trung ương tới địa phương, giữa các nước trong khu vực, liên khu vực và trên toàn cầu.
Bộ trưởng Ngoại giao Mông cổ Damdin Tsogtbaatar - Chủ tịch ESCAP Khoá 75 - cho rằng tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với việc xã hội trở nên bình đẳng hơn, đặc biệt trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện đang là nơi có tăng trưởng kinh tế nhanh nhất nhưng khoảng cách giàu nghèo lại ngày càng lớn.
Để ứng phó với thách thức này, ông Damdin Tsogtbaatar kiến nghị các nước cần tập trung vào 3 yếu tố là giáo dục, việc làm bền vững và lương phù hợp với mức sống. Phó Tổng Thư ký LHQ, Thư ký điều hành ESCAP Armida Salsiah Alisjahbana kiến nghị các quốc gia thành viên phải có quyết tâm chính trị trong việc chia sẻ trách nhiệm và để đảm bảo tính bao trùm và bình đẳng, phải đặt con người làm trung tâm khi hoạch định chính sách.
Phát biểu tại Khoá họp, với chủ đề “Trao quyền cho người dân và bảo đảm tính bao trùm và bình đẳng”, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng - Trưởng đoàn Việt Nam - nhấn mạnh, dù hơn 80% người nghèo cùng cực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thoát nghèo nhưng khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm lại ngày càng tăng, khiến nhiều người vẫn bị “bỏ lại phía sau”.
Đại sứ cho rằng, để trao quyền, bảo đảm tính bao trùm và bình đẳng, các quốc gia cần cải cách chính sách và các dịch vụ công, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, trong đó tính tới yếu tố giới; nâng cao chất lượng và mở rộng hệ thống giáo dục, các khoá đào tạo và các cơ hội việc làm; đảm bảo mọi người dân đều có quyền tiếp cận giáo dục với chi phí hợp lý; tăng cường an sinh và bảo hiểm xã hội cũng như các dịch vụ y tế...
Về phía Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng nhấn mạnh Việt Nam luôn chủ động, tích cực thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt thông qua việc lồng ghép các Mục tiêu phát triển bền vững vào các Chương trình, Kế hoạch Hành động quốc gia. Đến nay, Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng kể như giảm tỉ lệ nghèo đa chiều quốc gia từ 9,9% năm 2015 xuống dưới 7% vào năm 2017; tỉ lệ người có bảo hiểm y tế đạt 86,4% vào năm 2017; hơn 99% số hộ gia đình có điện vào năm 2016.
Đại sứ Nguyễn Hải Bằng nêu rõ, có được những kết quả trên là do Việt Nam luôn đặt người dân làm trung tâm, thúc đẩy bình đẳng và đảm bảo tính bao trùm trong suốt quá trình hoạch định chính sách từ trung ương tới địa phương.
Đại sứ cũng khẳng định với tư cách là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của LHQ, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình phát triển bền vững trên thế giới nói chung và tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng.