Cùng dự có quan chức cao cấp các nước ASEAN, đại diện thường trực các nước tại ASEAN (CPR) và Phó Tổng thư ký ASEAN.
Nội dung chính của Hội nghị lần này là kiểm điểm tiến trình hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN, tiến độ triển khai các sáng kiến về phòng chống, kiểm soát và phục hồi sau COVID-19, chuẩn bị cho các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 và các Hội nghị liên quan.
Các nước nhấn mạnh xây dựng thành công Cộng đồng tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của ASEAN ngày nay bất chấp những khó khăn và thách thức do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Các nước đề cao và cam kết sẽ phối hợp cùng Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam, thực hiện thành công các ưu tiên và sáng kiến của năm 2020 trong đó có kiểm điểm giữa kỳ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, kiểm điểm thực hiện Hiến chương, chuẩn bị xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và nâng cao ý thức cộng đồng, bản sắc ASEAN.
Riêng về đề xuất treo cờ ASEAN tại trụ sở các tòa nhà Chính phủ các nước ASEAN, nhiều nước bày tỏ ủng hộ và cam kết sẽ có những bước đi phù hợp để triển khai sáng kiến này.
Trao đổi về những tiến triển trong hợp tác phòng chống COVID-19, các nước hoan nghênh việc Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 đi vào hoạt động. Các đại biểu đánh giá cao thông báo của Thái Lan đóng góp 100.000 USD cho những hoạt động ban đầu của Quỹ.
Các nước cũng trao đổi về những bước tiếp theo để hoàn tất kế hoạch phục hồi toàn diện sau COVID-19 của ASEAN, nhất trí phấn đấu hoàn tất nội dung kế hoạch trước Cấp cao ASEAN 37 dự kiến tổ chức tháng 11/2020.
Nhiều nước phát biểu đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam tổ chức thành công “Diễn đàn ASEAN về phát triển tiểu vùng” (Hà Nội, 14/7/2020). Theo đó, các nước cho rằng Việt Nam đã đúng đắn khi lựa chọn chủ đề: “Gắn kết tiểu vùng Mê Công với các mục tiêu của ASEAN”.
Các đại biểu khẳng định những thông tin được chia sẻ tại Diễn đàn vừa giúp các các nước hiểu biết hơn về quá trình phát triển, nhu cầu cũng như những thách thức mà các tiểu vùng trong khu vực đang vượt qua, vừa cho thấy ASEAN cần có vai trò lớn hơn, hiệu quả hơn trong hỗ trợ các tiểu vùng hội nhập với khu vực và thế giới.
Các nước nhất trí sẽ báo cáo các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về kết quả của Diễn đàn để xin ý kiến chỉ đạo.
Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nước khẳng định cần tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác thực chất và cụ thể với các đối tác, nhất là trong thời điểm khó khăn này, nhằm sớm vượt qua những thách thức, khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Các nước cũng kiểm điểm các hoạt động hợp tác cụ thể với các Đối tác Đối thoại, chuẩn bị cho các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đối tác.
Dự kiến ASEAN sẽ thông qua 8 Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 với các Đối tác Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Mỹ và Liên hợp quốc.
Hội nghị giao Ban Thư ký xây dựng Báo cáo đánh giá tổng thể về tình hình quan hệ đối ngoại của ASEAN làm cơ sở để xem xét các đề xuất thiết lập Đối tác mới với ASEAN một cách toàn diện, tổng thể.
Về hợp tác ASEAN+3, Hội nghị đánh giá cao vai trò của cơ chế ASEAN+3 và nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác ứng phó Covid và phục hồi kinh tế bền vững trong đó có nâng cao tự cường kinh tế tài chính khu vực.
Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), các nước ASEAN đã thảo luận các biện pháp tăng cường vai trò và giá trị chiến lược của EAS trong giai đoạn phát triển mới, nâng cao khả năng ứng phó với các thách thức đang nổi lên.
Hội nghị SOM ASEAN lần này nằm trong loạt các hội nghị quan chức cao cấp để chuẩn bị Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan. Dự kiến trong các ngày 20 và 21/07, sẽ tiếp tục diễn ra các Hội nghị Quan chức cao cấp trong khuôn khổ ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), và Hội nghị Quan chức cao cấp liên ngành để trao đổi về Tầm nhìn ASEAN sau 2025.