Việt Nam – Lào tăng cường tình hữu nghị

(PLO) - Ban Chỉ đạo cắm mốc biên giới Việt Nam — Lào vừa tổ chức Hội nghị tổng kết kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam — Lào giai đoạn 2008 — 2016.
Cột mốc biên giới 597 trên tuyến biên giới Việt - Lào.

Công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Lào là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng về mặt chính trị, kinh tế, xã hội và công tác quốc phòng – an ninh.

Đây còn là việc làm thể hiện ý chí của hai Đảng, hai Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân hai nước; đóng vai trò quan trọng trong xây dựng mối quan hệ hữu nghị đoàn kết truyền thống, đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc Việt Nam – Lào. Đồng thời, việc hoàn thành công tác tôn tạo, tăng dày mốc quốc giới trên tuyến Việt Nam – Lào nhằm phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp cách mạng của hai Đảng, hai Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nghệ An có 419km đường biên giới quốc gia trên đất liền, đi qua 6 huyện, 27 xã biên giới với 135 bản; tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bô Ly Khăm Xay (Lào).

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Nhà nước về cắm mốc biên giới Việt Nam – Lào, trên tuyến biên giới Nghệ An được bố trí, tăng dày, tôn tạo tại 105 vị trí với 116 mốc quốc giới và 44 cọc dấu.

Từ năm 2008 đến nay, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng của tỉnh Nghệ An đã phối hợpchặt chẽ với chính quyền và các lực lượng chức năng 3 tỉnh của nước bạn Lào trong thực hiện nhiệm vụ tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới hiện đã hoàn thành, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của hai nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chính quyền và lực lượng chức năng hai bên đã gặp một số khó khăn như các vị trí mốc đa phần nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình khó khăn, hiểm trở, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa.

Riêng 4 tỉnh Nghệ An, Bô Ly Khăm Xay, Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác cắm mốc biên giới đã thường xuyên phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ lẫn nhau; quyết tâm cao cùng nhau giải quyết kịp thời mọi vấn đề nảy sinh trên tuyến biên giới.

Đội cắm mốc các tỉnh thường xuyên tổ chức giao ban định kỳ để trao đổi tình hình, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; thực hiện chế độ định kỳ báo cáo cho cấp trên được biết để kịp thời có ý kiến chỉ đạo tổ chức thực hiện và giải quyết các vụ việc xảy ra.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Thái Xuân Dũng – Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: Công tác cắm mốc biên giới Việt Nam – Lào đã được hoàn thành, nhưng trách nhiệm của tỉnh Nghệ An và 3 tỉnh của nước bạn Lào cần phải tiếp tục phối hợp trong công tác bảo vệ, tuần tra, khảo sát tuyến biên giới; hệ thống mốc quốc giới bị ảnh hưởng, hư hỏng cần phải tăng dày và tôn tạo mốc.

Các đồn biên phòng ở Nghệ An tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới đối diện của nước bạn Lào tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ dấu hiệu đường biên giới, mốc quốc giới. – Đồng chí Dũng nhấn mạnh.

Ông Thái Xuân Dũng đề nghị trong tháng 4/2016, Ban Chỉ đạo cắm mốc biên giới Việt Nam – Lào triển khai thủ tục tham mưu Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc ra quyết định giải thể các đội cắm mốc; công tác quản lý các phương tiện, trang bị phục vụ hoạt động cắm mốc theo chỉ đạo; đồng thời xây dựng Kế hoạch triển khai sửa chữa mốc 410 (1.2.3) và mốc 409 bị mưa, lũ gây thiệt hại đưa vào phân kỳ 2016 – 2017.

Tại hội nghị, 24 tập thể và 57 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cắm mốc giới quốc gia giai đoạn 2008 – 2016 đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.

Đọc thêm