Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, với nền tảng là các nguyên tắc tiến bộ về quyền con người như phổ cập, toàn diện, công bằng, hợp tác và đối thoại liên chính phủ, trải qua 3 chu kỳ, UPR vẫn luôn được đánh giá là một cơ chế thành công, hiệu quả và góp phần thúc đẩy quyền con người trên thực tế tại tất cả các quốc gia trên toàn thế giới.
Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, là quốc gia tích cực và trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã luôn coi trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết và nghĩa vụ theo cơ chế UPR. Sự tham gia chủ động, tích cực của các bộ, ngành liên quan, các tổ chức, cá nhân quan tâm là một điểm hết sức nổi bật trong tiến trình UPR tại Việt Nam.
Để hoàn thành Báo cáo, Nhóm công tác về soạn thảo báo cáo UPR có sự tham gia của 18 cơ quan, tổ chức liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ, thực hiện và thúc đẩy quyền con người đã trao đổi, thảo luận qua nhiều vòng.
Qua đó đã hoàn thành việc xây dựng Dự thảo Báo cáo, tập trung làm rõ kết quả thực hiện 182 khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận tại chu kỳ 2 cũng như phản ánh một cách toàn diện các nỗ lực, thành tựu đạt được trong việc thúc đẩy và bảo đảm các quyền con người trong phạm vi lãnh thổ quốc gia.
Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao khẳng định, đến nay, Việt Nam đã thực hiện được hầu hết các khuyến nghị đã chấp thuận, đồng thời đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật về quyền con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy hợp tác, đối thoại ở cấp khu vực và quốc tế về vấn đề quyền con người.
Dự kiến, Việt Nam phải hoàn thành nộp Báo cáo quốc gia trong tháng 10/2018; phiên trình bày và đối thoại với các nước về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế UPR sẽ diễn ra tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc vào tháng 1/2019.