Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Trong đó, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới vào khoảng 47,4%, nữ giới là 1,4% (số liệu điều tra của GATS 2010). Bên cạnh số người hút thuốc lá trực tiếp, đáng quan ngại khi có tới 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà; 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà; 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc…
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế năm 2011, bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá làm mất đi trên 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam. Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới Việt Nam, với gần 11% tổng số ca tử vong ở nam là do các bệnh liên quan đến thuốc lá (các bệnh có nguyên nhân trực tiếp do thuốc lá bao gồm đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi…).
Thật đáng lo ngại khi thống kê các ca mắc do bệnh tật tại bệnh viện từ năm 1976 – 2006 cho thấy, bệnh tật liên quan đến thuốc lá ngày càng có xu hướng gia tăng. Thống kê trong năm 2000, trong số bệnh nhân ung thư phổi cho kết quả: Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%, không hút thuốc lá là 3,2%.
Cùng với những ảnh hưởng về sức khỏe, giống nòi…, tổn thất về kinh tế cho việc mua thuốc lá (số tiền phải bỏ ra để mua thuốc lá lên tới 22.000 tỷ/năm 2012); chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra không hề nhỏ (23.139 tỷ/năm).
Ngoài ra là các chi khác (chưa thể tính nổi) như: Chi phí điều trị 20 nhóm bệnh còn lại; chi phí năng suất lao động bị mất do mắc bệnh và tử vong sớm liên quan đến thuốc lá; chi phí nghỉ giữa giờ để hút thuốc; chi phí tổn thất do cháy nổ liên quan đến thuốc lá; chi phí do phá rừng trên diện rộng để lấy gỗ sấy thuốc lá; chi phí vệ sinh tăng lên do sử dụng thuốc lá…