Trước đó, sau phiên sơ thẩm, nhiều bị cáo đã kháng cáo kêu oan cho rằng họ không đồng phạm với bị cáo “đầu vụ” và không có hành vi cố ý giúp sức vì mình và người thân cũng ký hợp đồng “ủy thác đầu tư” với Khải Thái.
Theo bản án sơ thẩm, tháng 8/2011, Hsu Minh Jung (còn gọi là Saga, sinh năm 1975, quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc) làm thủ tục lập Công ty Khải Thái với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, trong đó có hình thức kinh doanh “huy động tiền gửi” của khách dưới hình thức “ủy thác đầu tư”.
Sau khi huy động vốn của khách hàng, Jung chuyển tiền về Đài Loan và Quảng Châu (Trung Quốc) để đầu tư kinh doanh vàng và ngoại tệ. Nhưng trên thực tế, Khải Thái chỉ thu tiền người này, trả tiền cho người kia. Theo kết quả điều tra, từ cuối năm 2012 đến tháng 9/2014, Jung và đồng bọn đã chiếm đoạt được 264 tỷ đồng của hơn 700 bị hại.
Với hành vi nêu trên, Jung bị Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên phạt tù “chung thân” về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sáu nhân viên làm thuê cho Jung bị coi là đồng phạm, bị tuyên từ 4 – 20 năm tù.
Sau khi có bản án trên, một số bị hại kháng cáo đề nghị Tòa phúc thẩm đánh giá lại hành vi của bị cáo vì trước khi bị khởi tố, các bị cáo vẫn thực hiện đúng hợp đồng ủy thác đầu tư và trả lãi đầy đủ. Bản chất đây là hợp đồng dân sự, không vi phạm điều cấm và thể hiện sự tự nguyện giữa hai bên nên cần được tôn trọng và tạo điều kiện để tiếp tục thực hiện.
Trong số các bị cáo kêu oan, bị cáo Đinh Thị Hồng Vinh (nguyên Giám đốc phụ trách Chi nhánh Plaschem Khải Thái, bị tòa sơ thẩm phạt 14 năm tù) cho rằng, bản thân bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, hoàn toàn tin tưởng vào hoạt động của Khải Thái và Jung, làm theo chỉ đạo của người sử dụng lao động chứ không hề biết Jung gian dối, chiếm đoạt tiền.
Vinh cho biết, bản thân bị cáo cũng đầu tư vào Khải Thái 560 triệu đồng vì tin tưởng vào hoạt động kinh doanh của công ty. Ngoài ra, bị cáo này còn thuyết phục người thân cùng đầu tư tiền vào Khải Thái dưới dạng hợp đồng ủy thác đầu tư. Đến nay, Vinh và người thân vẫn chưa lấy lại được tiền, cũng không được cơ quan tiến hành tố tụng coi là bị hại của vụ án. Trong khi đó, 18 trưởng phòng và các nhân viên kế toán khác của Khải Thái đều vô can và còn được coi là bị hại trong vụ án.
Đánh giá về tình tiết trên, một số luật sư cho rằng, theo quy định của Bộ luật Hình sự thì “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Như vậy, để chứng minh Vinh đồng phạm “giúp sức” cho Jung thì cơ quan tố tụng cần chứng minh hai bị cáo này cùng cố ý, tức là có sự trao đổi, bàn bạc, thống nhất thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hoặc ít nhất cũng cần chứng minh Vinh biết Jung có hành vi lừa đảo nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi giúp sức.
Tuy nhiên, trong vụ việc này, Vinh cho rằng không hề biết Jung lừa đảo, thể hiện qua việc Vinh tin tưởng đầu tư 560 triệu và vận động người nhà đầu tư vào Khải Thái. Như vậy, việc quy kết Vinh đồng phạm với Jung cần phải được đánh giá lại.
Luật sư Trương Quốc Hòe (Văn phòng Luật sư Interla) nêu quan điểm, trong vụ án này phải làm rõ việc có hay không hành vi huy động vốn trái phép vì theo các Hợp đồng “ủy thác đầu tư” thì nhà đầu tư (bị hại) ủy thác cho Khải Thái thực hiện việc đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau nhằm mục đích sinh lợi nhuận đều theo sự thỏa thuận, tự nguyện và dựa theo ý chí của các bên. Đây là một giao dịch dân sự giữa các bên.
Bản án sơ thẩm cũng thừa nhận có việc Khải Thái trả cho khách hàng tiền lại theo như thỏa thuận tại hợp đồng. Vì vậy, cần đánh giá hành vi có gian dối hay không? Để xác định điều này, cần làm rõ các tài khoản kinh doanh có thật hay không? Nếu các tài khoản này có hoạt động thì ai là người sử dụng các tài khoản này?...
Ngoài ra, để xác định rõ sai phạm của các bị cáo thì Hội đồng xét xử cũng cần lấy ý kiến cơ quan chuyên môn hoặc trưng cầu để làm rõ các hoạt động của Khải Thái như “kinh doanh tài khoản vàng” hay “kinh doanh vàng trên tài khoản”; làm rõ khái niệm “ủy thác đầu tư” vì trong vụ án này, việc giao dịch dang này đã bị quy là “huy động vốn trái phép.