[links()]Tóm tắt nội dung vụ án – Theo khởi kiện của ông Trần Xuân Lập: Năm 1992, Nhà nước có chủ trương giao đất rừng cho các hộ dân ven biển, hộ ông Trần Xuân Lập được UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cấp sổ Lâm bạ số 02, ngày 10/1/1993, diện tích 36,5 ha, thời hạn 50 năm. Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Duy Nguyên là em vợ ông Lập “có công” giúp gia đình ông Lập hoàn thiện thủ tục để được Nhà nước giao đất rừng.
Lợi dụng tình cảm gia đình, ông Nguyên đã giả mạo chữ ký, ký nhận sổ Lâm bạ của ông Lập với tư cách chủ hộ. Sau khi có được sổ Lâm bạ trong tay, ông Nguyên đã tự lập 2 Bản Cam kết giao quyền quản lý sử dụng đất rừng và lại tiếp tục giả mạo chữ ký của ông Lập để chuyển giao quyền quản lý 36,5 ha đất rừng của ông Lập cho chính ông Nguyên.
Năm 2010, khi Nhà nước thực hiện dự án xây dựng đường đi qua diện tích đất rừng cấp cho ông Lập trong sổ Lâm bạ, ông Nguyên đã tự nhận là đất của mình để chiếm đoạt tiền bồi thường. Ông Lập phát hiện việc làm gian dối của ông Nguyên đã làm đơn nhờ Tòa đòi lại quyền sử dụng 36,5ha đất rừng. Ngày 6/1/2010, TAND huyện Quỳnh Lưu thụ lý vụ án; và ngày 27/3/2012, tuyên: Đình chỉ vụ án!..
Phán quyết “có một không hai” - Luật sư Lương Quang Tuấn - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần Xuân Lập - nói với phóng viên VOV: “Tôi hành nghề luật sư được hơn 10 năm rồi. Trước đó, 21 năm tôi làm Kiểm sát viên Vụ Kiểm sát điều tra án Trị an - Xã hội của Viện KSNDTC. Tôi đã có 2 năm tham gia vụ án này. Nhưng khi Tòa tuyên: Đình chỉ vụ án của ông Lập, tôi ngớ người ra, không thể tin nổi...”.
Quyết định số 03/2012/QĐST, ngày 27/3/2011 (sự thật là ngày 27/3/2012) của TAND huyện Quỳnh Lưu do Chủ tọa phiên tòa Hồ Ngọc Tiếp ký, có nội dung: “Đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp “Góp vốn đầu tư là quyền sử dụng đất lâm nghiệp”. Quyết định này khiến gia đình nông dân nghèo Trần Xuân Lập không biết mô mà lần.
May mà luật sư Lương Quang Tuấn đã vào cuộc, giúp gia đình ông Lập có đơn kháng cáo, đồng thời có văn bản kiến nghị gửi TAND tỉnh Nghệ An vạch ra những sai trái “có một không hai”.
Một là, sau hơn 2 năm trời thụ lý giải quyết vụ án, với nhiều lần xử rồi hoãn, vụ án vẫn mang tên: “Tranh chấp quyền sử dụng đất rừng và tài sản” theo đơn khởi kiện của ông Lập và Thông báo thụ lý vụ án ngày 7/1/2010 của TAND huyện Quỳnh Lưu, đùng một cái, vào ngày 27/3/2012 (sau hơn 2 năm) TAND Quỳnh Lưu ra Quyết định đình chỉ “vụ án kinh doanh thương mại, góp vốn đầu tư là quyền sử dụng đất lâm nghiệp”.
Thực ra, Tòa không hề ngây ngô trong việc này, bởi vì, chỉ có cho rằng quan hệ tranh chấp trong vụ án khác với quan hệ tranh chấp trong đơn khởi kiện thì Tòa mới có lý do đình chỉ. Tuy nhiên, tại Quyết định phúc thẩm của TAND tỉnh Nghệ An (sau này) đã chỉ rõ sai trái của TAND huyện Quỳnh Lưu: “HĐXX khi có căn cứ xác định quan hệ tranh chấp khác với quan hệ tranh chấp ban đầu thì phải tiếp tục xét xử và hướng dẫn đương sự rút đơn khởi kiện để khởi kiện một vụ kiện khác, nếu đương sự không rút đơn thì phải ra bản án tuyên bác yêu cầu khởi kiện và hướng dẫn cho đương sự khởi kiện vụ kiện khác theo qui định của pháp luật”. Không hiểu sao, suốt hơn 2 năm trời thụ lý, TAND huyện Quỳnh Lưu lại không làm như thế?
Hai là, theo luật sư Lương Quang Tuấn, Quyết định đình chỉ vụ án có dấu hiệu của hành vi cố ý ra quyết định trái pháp luật của thẩm phán - chủ tọa phiên tòa. Bởi thẩm phán Hồ Ngọc Tiếp biết rất rõ nội dung vụ án, lại vừa được bổ nhiệm Phó Chánh án TAND huyện Quỳnh Lưu, không thể nói là yếu kém về trình độ đến mức không nhận biết được quan hệ pháp luật tranh chấp giữa ông Lập và ông Nguyên. Quyết định đình chỉ vụ án trái pháp luật này đã gây tốn kém tiền của, công sức của Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn...
Ba là, luật sư Lương Quang Tuấn khẳng định, các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đều xác định ông Nguyên đã dùng các thủ đoạn gian dối, giả mạo giấy tờ, chiếm đoạt quyền sử dụng đất lâm nghiệp mà Nhà nước đã cấp cho ông Lập. Cụ thể: Ông Nguyên đã tự ký giả mạo chữ ký của ông Lập trong sổ Lâm bạ số 02 mà UBND huyện Quỳnh Lập đã cấp cho ông Lập. Ông Nguyên còn giả mạo Biên bản bàn giao Hồ sơ lâm bạ và thực địa đất trồng rừng vào ngày 21/1/1993. Cuối cùng, để hoàn tất “qui trình chiếm đoạt”, ông Nguyên lại giả mạo chữ ký của ông Lập, tự lập 2 Bản cam kết giao quyền quản lý sử dụng đất rừng cho mình, nhờ cán bộ chính quyền đóng dấu, xác nhận.
Bốn là, luật sư Lương Quang Tuấn có kiến nghị bằng văn bản, trong quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Quỳnh Lưu không biết vì động cơ gì đã hai lần cố ý lái vụ án từ quan hệ dân sự sang quan hệ kinh doanh thương mại để “đình chỉ giải quyết” cho bằng được?
Và, quyết định “đình chỉ giải quyết” của TAND huyện Quỳnh Lưu là hoàn toàn có lợi cho ông Lê Duy Nguyên, nguyên Đại biểu Quốc hội, Giám đốc doanh nghiệp.
Sau phán quyết của TAND tỉnh Nghệ An – Nhận được kiến nghị của luật sư và kháng cáo của nguyên đơn, TAND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 01/2012/QĐKDTM-PT ngày 25/7/2012 khẳng định: “Quyết định đình chỉ vụ án là vi phạm pháp luật tố tụng dân sự”, và quyết định: “Hủy toàn bộ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 03/2012/QĐST ngày 27/3/2012 của TAND huyện Quỳnh Lưu, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Quỳnh Lưu giải quyết theo qui định”.
Phán quyết của TAND tỉnh Nghệ An cho thấy thẩm phán – chủ tọa phiên tòa Hồ Ngọc Tiếp đã ra một quyết định vi phạm pháp luật. Hiện ông Hồ Ngọc Tiếp đang là Phó Chánh án TAND huyện Quỳnh Lưu, nơi tiếp tục xét xử vụ án tranh chấp đất rừng giữa ông nông dân nghèo Trần Xuân Lập và ông chủ doanh nghiệp, nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Duy Nguyên. Như “chim bị đạn sợ làn cây cong”, gia đình nông dân Trần Xuân Lập đang mang nặng nỗi lo về sự không khách quan của Tòa trong phiên xử sắp tới.
Mong sao đó là nỗi lo không có thật.
Theo VOV