Quan điểm của Vinamilk đồng nhất với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số số 1787/TTg-ĐMDN. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khi thoái vốn tại 10 doanh nghiệp (trong đó có Vinamilk) phải đạt được lợi ích cao nhất.
Trước câu hỏi "Vinamilk kỳ vọng gì ở các đối tác trong tương lai", bà Hương trả lời: " Chúng tôi mong muốn các cổ đông hiện nay của Vinamilk cần tăng thêm tỷ lệ sở hữu hiện có của mình khi Nhà nước thoái vốn".
Cũng theo bà Hương thì sau khi thoái hết vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp, Vinamilk vẫn tiếp tục phát triển theo định hướng chiến lược của Vinamilk trong 5 năm và 10 năm tới với mục tiêu trở thành công ty đa quốc gia hoạt động trên toàn cầu.
Về băn khoăn, liệu việc thoái vốn này theo Vinamilk có tác động như thế nào đến tâm lý các nhà đầu tư. Đại diện Vinamilk cho rằng "các nhà đầu tư nói chung cả trong và ngoài nước sẽ rất phấn khởi nếu nhà nước thoái vốn ở Vinamilk vì tâm lý các nhà đầu tư đều muốn sở hữu thêm cổ phiếu Vinamilk vì là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, quản trị tốt, luôn đem lại giá trị gia tăng cho cổ đông. Nếu quyết định này trở thành hiện thực thì đây là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư cả cá nhân và tổ chức nhưng với điều kiện nhà nước đưa ra đấu giá rộng rãi công khai và hết sức minh bạch cho các nhà đầu tư có cơ hội để tham gia, như vậy sẽ đem lại lợi ích cao nhất cho nhà nước qua việc bán vốn".
Theo tính toán sơ bộ, nếu SCIC bán toàn bộ hơn 541 triệu cổ phiếu Vinamilk (tương ứng 45,1% vốn Vinamilk) thì lượng cổ phiếu này có giá trị 55.190 tỷ đồng, tương đương 2,47 tỷ USD (tính theo thị giá ngày 13/10/2015).
Ai sẽ chi 2,5 tỷ USD để trở thành cổ đông lớn nhất của Vinamilk hiện vẫn đang còn là một ẩn số.