Vĩnh Phúc: Bảo đảm nguồn lực xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

(PLVN) -Đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 134/136 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 98,5%) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (TCPL). Tuy nhiên, theo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, việc thự hiện công tác này còn nhiều khó khăn.

Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn

Thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL; Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Quyết định số 25, giai đoạn 2021-2023, Sở Tư pháp- Cơ quan thường trực Hội đồng PHPBGDPL tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành 03 Kế hoạch triển khai công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL trên địa bàn tỉnh.

09/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh ban hành kế hoạch triển khai. UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo phân công công chức phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu TCPL, triển khai rà soát, tự chấm điểm, đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính, niêm yết công khai kết quả chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí, tổ chức họp và chuẩn bị hồ sơ đánh giá chuẩn TCPL của địa phương theo đúng quy định.

Sở Tư pháp tổ chức 02 hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về chuẩn TCPL cho thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn TCPL các huyện, thành phố; Lãnh đạo và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; 9/9 Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tham mưu tổ chức 12 hội nghị tập huấn các nghiệp vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL cho thành viên hội đồng đánh giá TCPL, công chức Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Từ năm 2021 đến nay Vĩnh Phúc đã tổ chức kiểm tra công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL tại 22 đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL được triển khai thực hiện theo quy định.

Theo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Vĩnh Phúc, năm 2021, 132/136 xã, thị trấn đạt chuẩn TCPL; Năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 126/136 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 92,6%) đạt chuẩn TCPL; Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 134/136 xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 98,5%) đạt chuẩn TCPL; Năm 2022, 2023 có 14 xã đạt chuẩn tiêu chí TCPL trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Cần phát huy hiệu quả vai trò của công chức Tư pháp - Hộ tịch

Cũng theo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Vĩnh Phúc, thuận lợi là công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL hàng năm trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh. Nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL trong cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, pháp luật, phát huy dân chủ ở cơ sở từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, khó khăn là việc đánh giá chuẩn TCPL có phạm vi triển khai đánh giá rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau nhưng một số đơn vị cấp xã chưa phân công rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn TCPL mà vẫn coi đây là nhiệm riêng của công chức Tư pháp- Hộ tịch, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện và đánh giá, chấm điểm các tiêu chí tại địa phương.

Tài liệu đánh giá một số chỉ tiêu, tiêu chí của một số đơn vị cấp xã chưa đảm bảo theo quy định. Việc tự chấm điểm của một số xã, phường, thị trấn tại một số chỉ tiêu, tiêu chí chưa sát với tình hình thực tế tại đơn vị; Việc chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng, đánh giá chuẩn TCPL ở một số đơn vị cấp xã còn bị động, chờ hướng dẫn của cấp trên; Kinh phí triển khai chủ yếu được trích từ nguồn kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thời gian tới, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Vĩnh Phúc cho biết, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí TCPL. Phát huy hiệu quả vai trò của công chức Tư pháp - Hộ tịch là đầu mối tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL cho đội ngũ cán bộ, công chức có liên quan.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về nội dung, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân. Phát huy hiệu quả của hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL.

Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao chất lượng thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí TCPL thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý. Đặc biệt, bố trí bảo đảm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn TCPL.

Đọc thêm