Với quyết tâm không để tình trạng chậm giải ngân xảy ra trên địa bàn tỉnh, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Vĩnh Phúc và các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức thực hiện tốt và chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý điều hành ngân sách.
Đồng thời, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chủ động, tích cực và quyết liệt trong thi công, nghiệm thu khối lượng thực hiện, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) Vĩnh Phúc kiểm soát, thanh toán vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, đến hết tháng 6/2023, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt hơn 2.878 tỷ đồng, đạt 37,4% kế hoạch được Trung ương giao. Trong đó, đến hết tháng 5/2023, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh đạt cao nhất là 46,3%, thấp nhất là 24,8%; đối với các huyện, thành phố, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất là 52%, thấp nhất dưới 20% kế hoạch được giao.
Tổng hợp thông tin từ các sở, ngành, địa phương, có 6 nguyên nhân chính dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT - GPMB) thực hiện dự án; công tác chuẩn bị đầu tư của nhiều dự án chậm; một số dự án đầu tư công phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện; một số dự án được bố trí từ nguồn thu sử dụng đất do trung ương giao nhưng chưa thu được tiền đất; nhiều dự án chậm quyết toán khi đã hoàn thành do chủ đầu tư chưa lập được hồ sơ để trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định; sự vào cuộc của các đơn vị liên quan trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công chưa quyết liệt, công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư chưa chặt chẽ, kịp thời, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, phấn đấu đạt 95% - 100% kế hoạch vốn được giao, UBND tỉnh đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và các chủ đầu tư tập trung thực hiện. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu sở, ban, ngành, các Ban Quản lý dự án; UBND cấp huyện và các chủ đầu tư phải đề ra các giải pháp, ban hành và thường xuyên cập nhật kế hoạch giải ngân từng dự án nhằm kịp thời khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, trường hợp vượt thẩm quyền phải chủ động báo cáo, đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán vốn các dự án; nâng cao chất lượng lập hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư. Tăng cường công tác phối hợp, ưu tiên nguồn lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án; tăng cường công tác nghiệm thu dự án theo từng giai đoạn để giải ngân vốn kịp thời khi có khối lượng hoàn thành;
Người đứng đầu sở, ban, ngành, các Ban Quản lý dự án; UBND cấp huyện và các chủ đầu tư cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán vốn các dự án; nâng cao chất lượng lập hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác phối hợp, ưu tiên nguồn lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB cho các dự án;
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm, tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo chất lượng các công trình; tăng cường công tác nghiệm thu dự án theo từng giai đoạn để giải ngân vốn kịp thời khi có khối lượng hoàn thành;
Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chỉ rõ nguyên nhân chậm giải ngân và đề xuất giải pháp tháo gỡ, trường hợp không đảm bảo tiến độ giải ngân phải đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn cho các dự án khác có nhu cầu.
Đặc biệt, nhằm giải quyết việc chậm thanh, quyết toán các dự án đã hoàn thành, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 184 về giải quyết tồn đọng, chậm quyết toán vốn đầu tư các dự án đầu tư công cấp tỉnh đã hoàn thành giai đoạn 2015 - 2022. Trong đó chỉ rõ, thực hiện quyết toán dự án hoàn thành là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cá nhân, tập thể liên quan. Cùng với đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết tồn đọng, vướng mắc trong công tác quyết toán dự án hoàn thành; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quyết toán vốn đầu tư công cần xác định rõ nguyên nhân chậm lập quyết toán, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc quyết toán các dự án đã hoàn thành.