Tăng chỉ số tiếp cận đất đai
Chỉ số tiếp cận đất đai là một trong 10 chỉ số thành phần đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thể hiện việc tiếp cận đất đai có dễ hay không và tính ổn định trong quá trình sử dụng đất.
Đây là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh với 14 chỉ tiêu thành phần được đặt ra như: Doanh nghiệp tư nhân không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh. Thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định. Các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục…
Năm 2023, chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh Vĩnh Phúc tăng 1 bậc so với năm 2022, song chỉ đạt 6.83 điểm, đáp ứng 5/14 chỉ tiêu thành phần, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nguyên nhân khiến các tiêu chí trên tụt hạng là do chính sách, pháp luật về đất đai thay đổi nhiều qua các thời kỳ, nguồn gốc đất do lịch sử để lại phức tạp, công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập. Cùng với đó, cán bộ trực tiếp làm công tác bồi thường, GPMB thiếu.
Xác định mặt bằng là yếu tố tiên quyết để các nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng, đón sóng đầu tư, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu nằm trong top 15 tỉnh, thành phố trên cả nước về chỉ số Tiếp cận đất đai.
Để hoàn thành mục tiêu, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý, tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai. Tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đầu tư cơ sở dữ liệu đất đai để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, minh bạch quy trình giải quyết, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện.
Đồng thời, cơ quan chức năng chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp tạo quỹ đất sạch để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; công khai minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ sở dữ liệu đất đai để các nhà đầu tư dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận thông tin, tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng
Nhằm cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường công tác vận động, tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai đến người dân có đất bị thu hồi. Trong đó, chủ động phối hợp với chủ đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch, quy trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, năm 2024, thành phố Vĩnh Yên sẽ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 64 dự án chuyển tiếp và một số dự án mới. Tính đến hết tháng 4/2024, thành phố Vĩnh Yên đã hoàn thành công tác bồi thường-GPMB tổng diện tích gần 6,5 ha, đạt gần 22% kế hoạch được giao trong năm.
Thời gian tới, thành phố Vĩnh Yên tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về pháp luật đất đai, chính sách bồi thường-GPMB của tỉnh để người dân đồng thuận sớm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công các công trình dự án, vì lợi ích chung của cộng đồng.
Năm 2024, huyện Tam Dương thực hiện giải phóng mặt bằng 123ha của nhiều dự án trên địa bàn. Để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ trì, chủ động xác định chủ sử dụng đất, nguồn gốc đất đai, loại đất, quỹ đất làm cơ sở để thực hiện bồi thường. Đồng thời tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
|
Công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp SHI IP Tam Dương (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc). Nguồn ảnh: Quang Chiến |
Tính đến tháng 3/2024, huyện Tam Dương đã giải phóng mặt bằng dự án Cụm công nghiệp Hợp Thịnh 31,29ha và dự án Cụm công nghiệp Hoàng Lâu 14,8ha, hoàn thành 100%. Các Dự án Khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực 2, cùng các dự án khác do UBND huyện, UBND các xã, các chủ đầu tư thuộc các ban của tỉnh và các đơn vị khác đã thực hiện giải phóng mặt bằng được trên 16ha.
Trong năm 2024, huyện Yên Lạc được tỉnh giao GPMB cho 107 dự án với tổng diện tích 164,1ha, huyện đề ra mục tiêu thực hiện GPMB xong tối thiểu 85% diện tích đất của các dự án đã có hồ sơ thực hiện. Đến hết tháng 4/2024, huyện đã GPMB đạt 30% kế hoạch.
UBND huyện Yên Lạc chỉ đạo Ban Bồi thường GPMB và phát triển quỹ đất phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đối thoại, nắm bắt nguyện vọng của người dân, tích cực tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai công tác bồi thường, GPMB.