Vĩnh Phúc: Thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp

(PLO) - Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021; thành lập 3 ban chỉ đạo gồm: Ban chỉ đạo xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc; Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng tỉnh Vĩnh Phúc; Ban chỉ đạo công tác dồn thửa đổi ruộng và giải quyết đất dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi và đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư, giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải quyết tồn tại về chính sách đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân.

UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Thành lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp tại địa chỉ: http://duongdaynong.vinhphuc.gov.vn sử dụng 5 ngôn ngữ gồm: Tiếng Việt, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với nhiều kênh thông tin khác nhau như: Email, tin nhắn SMS, gửi trực tiếp trên phần mềm, văn bản giấy.

Trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, Vĩnh Phúc đã chủ động giảm thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh xuống dưới 3 ngày; giảm 30-50% thời gian cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 18 ngày; thời gian thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường từ 40 ngày xuống 35 ngày; thời gian thu hồi, giao đất từ 20 ngày xuống 14 ngày. Đồng thời, chỉ đạo ngành Thuế tích cực hướng dẫn, thực hiện kê khai các sắc thuế qua mạng internet cho các doanh nghiệp; cắt giảm số lần khai thuế giá trị gia tăng theo tháng xuống khai thuế theo quý; cắt giảm thủ tục hành chính để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm.

Với quyết tâm chuyển dần từ chính quyền quản lý sang chính quyền vừa quản lý vừa phục vụ, từ năm 2016 đến nay, Vĩnh Phúc đã tổ chức 10 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, 24 kỳ gặp gỡ doanh nghiệp hàng tuần, 4 đợt khảo sát tại doanh nghiệp; chỉ đạo giải quyết 148 khó khăn, kiến nghị và trả lời 384 câu hỏi của các tổ chức, doanh nghiệp trước và đúng hạn. Cùng với đó, công khai, minh bạch quy trình, thành phần hồ sơ, mẫu biểu thủ tục hành chính, các chính sách, quy hoạch của tỉnh trên Cổng Thông tin – Giao tiếp điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành. Đẩy mạnh việc triển khai, thực hiện 3 ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin là phần mềm quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử công vụ và Cổng thông tin điện tử. Công khai 1.939 thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin Giao tiếp điện tử tỉnh; thực hiện đơn hóa 14 thủ tục hành chính tại 4 sở, ngành và UBND cấp huyện, giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 1,8 tỷ đồng/năm trong giải quyết thủ tục hành chính.

Để có mặt bằng sạch thu hút các dự án đầu tư, 2 năm qua, tỉnh tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp Tề Lỗ, Yên Đồng, thị trấn Yên Lạc. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, khu công nghiệp Tam Dương II, Bá Thiện II và 12 dự án quan trọng khác; thu hồi, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất, cho thuê, bồi thường giải phóng mặt bằng 37 dự án. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án lớn vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch, dịch vụ.

Nhờ việc triển khai, đồng bộ các chính sách này, thời gian qua, Vĩnh Phúc tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Theo thống kê của UBND tỉnh, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2017, toàn tỉnh thu hút được 113 dự án đầu tư, trong đó, có 52 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 353.7 triệu USD; 61 dự án DDI. Cũng trong thời gian này, Vĩnh Phúc có thêm 1.403 doanh nghiệp được thành lập mới, tổng vốn đăng ký trên 7,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 8.000 doanh nghiệp, với vốn đăng ký trên 60.000 tỷ đồng. Trong đó có khoảng trên 5.300 doanh nghiệp đang hoạt động. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách tỉnh hơn 10.200 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn lao động. Đặc biệt, việc triển khai đồng bộ các giải pháp “trợ lực” cho doanh nghiệp đã giúp Vĩnh Phúc duy trì tốt thứ hạng nằm trong top 10 tỉnh, thành cả nước về chỉ số PCI và tăng 29 bậc về cải cách hành chính, từ vị trí 37 năm 2015 xuống  vị trí thứ 8 năm 2016.

Để tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết số  19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị triển khai, thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển. Thường xuyên tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đưa Trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh và huyện vào hoạt động. Hiện tỉnh đang xây dựng cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền liên quan đến hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp với thái độ tận tâm, tâm huyết, sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Trong những  tháng còn lại của năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường thực hiện kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa; thực hiện đầy đủ, nhất quán những cải cách quy định tại Luật Doanh nghiệp và các nghị định, hướng dẫn thi hành về khởi sự kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông, kết nối điện tử, đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác quản lý hành chính, giải quyết các thủ tục liên quan tới doanh nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đầu tư tại chỗ - một trong những giải pháp quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mà Vĩnh Phúc đang hướng tới. 

Đọc thêm