Quy mô Masan tăng gần gấp đôi sau sáp nhập
Nhận xét về cuộc chuyển giao này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đó là sự lạ. Vì thông thường, trên thế giới, hiếm có doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nào lại “kiêm nhiệm” luôn cả lĩnh vực bán lẻ. Sản xuất và thương mại bán lẻ luôn là hai lĩnh vực khác biệt hoàn toàn về tính chất hoạt động. Do đó mà các doanh nghiệp nên tập trung vào một lĩnh vực để có thể phát triển tốt nhất.
Nhìn từ những ý kiến chuyên nghiệp và kinh nghiệm ấy, việc Masan nhận chuyển giao VinCommerce (chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+) và Công ty VinEco có thể là một lựa chọn bất ngờ, đặc biệt với tham vọng trở thành nhà sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu tầm cỡ khu vực của tập đoàn này.
Điều này là có lý, nếu nhìn vào hệ thống khổng lồ, với hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart + của VinCommerce tại 50 tỉnh thành, và hệ thống 14 nông trường công nghệ cao từ VinEco mà Masan tiếp nhận. Đây là hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu hiện là lớn nhất Việt Nam, và vẫn đang phát triển tiếp.
Việc tiếp nhận hệ thống 2.600 siêu thị và cửa hàng lập tức khiến quy mô lao động của Masan tăng lên thêm trên 20.000 người. Tức là, số lượng lao động của Masan gần như tăng gấp 3 sau thương vụ sáp nhập này. Đó là thách thức thực sự.
Trong năm 2018, doanh thu mảng bán lẻ của Vingroup (do hệ thống VinMart và VinMart + là nòng vốt) đạt 21.257 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu mảng bán lẻ này đạt 23.571 tỷ đồng. Trong khi đó, lũy kế cả năm 2018, toàn tập đoàn Masan ghi nhận hơn 38.188 tỷ đồng doanh thu thuần. Nếu loại trừ doanh thu từ các ngành không liên quan như khai khoáng, thức ăn gia súc…., doanh thu từ hàng tiêu dùng, thực phẩm của Masan cũng chênh lệch không lớn với doanh thu từ khối bán lẻ vừa tiếp nhận.
Như vậy, sẽ không quá lời khi nói, với việc tiếp nhận VinCommerce, quy mô của Masan đã gần như tăng gấp đôi. Nói cách khác, việc tiếp nhận này vẫn là một thách thức với tập đoàn, bên cạnh nhữngcơ hội kinh doanh.
Vậy thì tại sao cả Masan và Vingroup đều hồ hởi với thương vụ này ?
Lợi ích thực
Về cơ bản, như mọi nước trên thế giới, hệ thống bán lẻ của Việt Nam hiện có 4 kênh chính. Đó là bán tại siêu thị hoặc trung tâm thương mại, bán tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, bán hàng online của các cá nhân, và bán qua website thương mại điện tử của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đang là sự cạnh tranh quyết liệt giữa doanh nghiệp nội và ngoại, với ưu thế của doanh nghiệp ngoại. Tình hình tương tự cũng diễn ra trong phân khúc bán qua website thương mại điện tử.
|
Hàng hóa Masan phủ rộng tại các siêu thị |
Về cơ cấu bán hàng, cả hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các cá nhân bán hàng online và các website thương mại điện tử của doanh nghiệp đều tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thông thường, điện máy, công nghệ, đồ xa xỉ…
Nhưng, các loại hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu lại là thế mạnh và được bán chủ yếu trong các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini vốn luôn được xây dựng và vận hành ngay trong các khu dân cư tập trung. Đó cũng chính là dải sản phẩm chủ chốt của Masan, và của cả hệ thống VinMart & VinMart +. Nói cách khác, có sự tương đồng về cơ cấu sản phẩm do Masan sản xuất với sản phẩm bán tại hệ thống bán lẻ mà doanh nghiệp này vừa nhận lại.
Masan cũng là doanh nghiệp chịu đầu tư cho hoạt động R&D, có nhà máy hiện đại để cho ra sản phẩm tiên tiến, chất lượng đảm bảo và đặc biệt hợp “gu” của đa số người tiêu dùng. Nhờ vậy, Masan hiện đã là nhà sản xuất lớn nhất cả nước trong lĩnh vực gia vị, thực phẩm, đặc biệt là nước mắm, nước tương chiếm khoảng 70% thị trường cả nước. Và cũng đang trên đường trở thành nhà sản xuất lớn nhất cả nước về đồ ăn nhanh như mì tôm, phở, café… hay trong lĩnh vực thực phẩm với sản phẩm tiên tiến là thịt mát.
Trong khi nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tập trung vào yếu tố sản phẩm giá cả phù hợp với tất cả các nhóm khách hàng để giải thích cho việc Masan nắm được tỷ lệ thị trường lớn nhất trong lĩnh vực gia vị, thực phẩm… Thì lại không nhiều ý kiến chú ý tới thực tế, tệp khách hàng tiêu thụ sản phẩm của Masan luôn có độ tuổi khá trẻ. Tức là tệp khách hàng trước tiên luôn chọn sản phẩm có sẵn, tiện lợi, dễ sử dụng, chất lượng đảm bảo và gắn với thương hiệu của nhà sản xuất lớn, sau đó mới chú ý tới giá tiền.
Tệp khách hàng trẻ cũng tương đồng với hệ thống khách hàng và triết lý kinh doanh được VinCommerce xây dựng ngay từ đầu cho hệ thống VinMart và VinMart +. Từ góc độ ấy, không khó để thấy, dù sản phẩm của Masan đang được bán tại hơn 200.000 điểm bán hàng tiêu dùng trên cả nước, thì việc khai thác hệ thống VinMart và VinMart + vẫn là bước đi chiến lược để Masan tái khẳng định vị thế hàng Việt Nam chất lượng cao trong hệ thống cửa hàng tiện lợi tin cậy.
Cần nhấn mạnh, cam kết chất lượng và chỉ sử dụng nhãn hàng tin cậy (chứ không phải giá bán) là lý do chủ chốt khiến VinMart và VinMart + giành được lợi thế kinh doanh so với chợ, cửa hàng truyền thống. Đương nhiên, khi tiếp nhận lại, chắc chắn Masan sẽ tiếp tục duy trì triết lý này. Hay thậm chí hoàn thiện chiến lược biến VinMart và VinMart + trở thành “thánh đường” của hàng Việt Nam chất lượng cao.
Đó không phải khẩu hiệu suông cho vui. Trong nhiều năm gần đây, khẩu hiệu Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt luôn được nêu cao, thậm chí tổ chức thành chương trình hành động. Tuy nhiên, chương trình ấy thiếu hẳn những tiêu chí, tiêu chuẩn, và đặc biệt là thiếu hẳn những thương hiệu tin cậy cụ thể. Và do thế, Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt luôn là lời kêu gọi, hơn là chương trình có hiệu quả kinh tế cụ thể.
Điều này giải thích cho quyết định của Masan khi tiếp nhận hệ thống VinMart và VinMart + từ Vingroup. Vì như trên đã dẫn, với 200.000 điểm bán và hệ thống vài chục sản phẩm, tiếp nhận VinMart + từ Vingroup không có nhiều tác động tới doanh thu từ sản phẩm truyền thống của Masan.
Tác động lớn nhất sẽ đến từ việc doanh nghiệp này trực tiếp quản lý và góp phần hỗ trợ, giám sát để nâng cao chất lượng hàng Việt bán trong hệ thống của mình. Đó là một mục tiêu khiến doanh nghiệp được lợi và trên hết là người tiêu dùng Việt được lợi.