Virus corona có thể bị giết chết ở nhiệt độ bao nhiêu?

(PLVN) - "Thời tiết nóng không giết chết COVID-19 mà lại có thể tạo điều kiện cho sự lây lan của nó bởi khi trời nóng, mọi người có xu hướng đi du lịch và liên lạc với nhau thường xuyên hơn", nhà khoa học Nga cảnh báo.
Việc mọi người giao lưu nhiều hơn vào mùa hè sẽ có nhiều rủi ro lây lan virus corona. Ảnh: TASS
Việc mọi người giao lưu nhiều hơn vào mùa hè sẽ có nhiều rủi ro lây lan virus corona. Ảnh: TASS

Ông Albert Rizvanov - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng về y học chính xác và tái tạo tại Đại học liên bang Kazan, người đứng đầu nhóm nghiên cứu phát triển vắc-xin chống virus corona - cảnh báo, sức nóng mùa hè không làm mất khả năng tồn tại của virus corona trên bề mặt, thậm chí có thể đóng góp vào tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở Nga.

"Nhiệt độ thấp thực sự làm tăng khả năng sống sót của virus: nhiệt độ tối ưu cho virus là 4-8 độ C. Khi nhiệt độ không khí tăng, virus trở nên kém ổn định hơn, nhưng virus vẫn lây truyền khi chúng ta nói chuyện, hắt hơi, ho hoặc thở, qua bắt tay và tiếp xúc với các bề mặt bị có virus. Nhiệt độ cao mùa hè chỉ khiến virus nhanh phân hủy", Rizvanov nói.

Trước đó, trong bài công bố trên trang thông tin nghiên cứu y tế Medrxiv.org, các nhà khoa học của Đại học Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, virus corona chủng mới hoạt động mạnh nhất và ổn định ở nhiệt độ khoảng 4 độ C và trở nên yếu hơn nhiều ở nhiệt độ cao.

Ở 4 độ C, khả năng lây nhiễm của virus kéo dài hơn hai tuần,  ở 22 độ, virus corona hoạt động ít nhất trong một tuần, ở 37 độ không quá hai ngày và ở 56 độ, virus chỉ hoạt được được dưới 30 phút. Và khi ở 70 độ C, virus sẽ chết trong vòng năm phút.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã nghiên cứu khả năng sống sót của virus trên các bề mặt khác nhau. Họ phát hiện ra rằng virus có thể tồn tại ở bề mặt ngoài của khẩu trang y tế không dưới một tuần (ở nhiệt độ phòng và độ ẩm 65%).

Trên giấy, virus tồn tại dưới ba giờ, trên gỗ và vải - không quá hai ngày, trên kính - dưới bốn ngày, trên thép không gỉ và nhựa - không quá một tuần.

Nhà khoa học đứng đầu nhóm nghiên cứu phát triển vắc-xin chống virus corona của Nga nói thêm rằng khi trời nóng mọi người có xu hướng ra ngoài và liên lạc với nhau thường xuyên hơn (như thói quen và nhu cầu của người dân ở các quốc gia ôn đới) sau mùa đông lạnh giá. "Điều này có thể trở thành một yếu tố lây nhiễm virus corona qua giao tiếp", ông kết luận.