VNG lọt danh sách “40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam”

(PLO) - Lần đầu Forbes Việt Nam thực hiện danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam, trong đó, VNG là 1 trong 3 đại diện thuộc nhóm công nghệ và viễn thông (gồm có: Viettel đang nắm giữ 52% thị phần viễn thông của Việt Nam, FPT – tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam, VNG – công ty internet hàng đầu tại Việt Nam) được lọt vào danh sách này và xếp thứ 27 với tổng giá trị thương hiệu là 35,5 triệu USD.

Theo Forbes Việt Nam, họ đã lựa chọn từ hơn 300 thương hiệu và loại bỏ những thương hiệu nước ngoài dù được sản xuất trong nước để lọc ra được danh sách 40 thương hiệu giá trị nhất.

Danh sách này thực hiện theo phương pháp đánh giá của Forbes, họ đo lường giá trị của một thương hiệu bằng cách nhìn vào những số liệu tài chính. Những thương hiệu giá trị nhất là những thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong những ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo. Vì vậy, Forbes đòi hỏi phải có các số liệu tài chính minh bạch, nên một số công ty dù có thương hiệu đáng chú ý như Kymdan, Euro window, Novaland, Tân Hiệp Phát… lại không có đủ cơ sở để tính toán giá trị.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang trong quá trình cổ phần hóa, số liệu tài chính không công bố đầy đủ cũng khó có thể xác định. Một số doanh nghiệp có thương hiệu xây dựng hơn 20 năm, có giá trị tốt nhưng cũng không được đưa vào danh sách này, do đã chuyển nhượng hơn 50% vốn cổ phần cho doanh nghiệp trong nước hoặc của nước ngoài như trường hợp của Kinh Đô, Vinacafe Biên Hòa, nước khoáng Vĩnh Hảo…

Trong danh sách 40 thương hiệu giá trị nhất, VNG được đánh giá là thương hiệu có tốc độ phát triển mạnh với giá trị thương hiệu 35,5 triệu USD. Hầu hết các thương hiệu công ty có giá trị nhất đều được xây dựng trong vòng 20 năm qua, riêng VNG có quá trình phát triển hơn 11 năm (từ tháng 9/2004 – nay).

Được biết, VNG hiện là công ty Internet hàng đầu tại Việt Nam. Sau hơn 11 năm phát triển, VNG đã chiếm lĩnh thị trường nội địa với việc tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao trong lĩnh vực: Nội dung số và giải trí trực tuyến; Liên kết cộng đồng; Phần mềm & Tiện ích. Sản phẩm của VNG phục vụ hơn 80% người dùng Internet Việt Nam.

Những sản phẩm nổi bật của VNG bao gồm: Zalo, Zing Mp3; Zing news; ZingTV, CSM; 123pay, Laban app, các sản phẩm game trực tuyến và game trên thiết bị di động… Trong đó, Zalo có 50 triệu người dùng, giúp nhắn tin và gọi điện miễn phí nhanh chóng, ổn định trên nhiều điều kiện hạ tầng mạng khác nhau. Zing Mp3 đang là công cụ nghe và tìm kiếm nhạc trực tuyến phổ biến nhất ở trong nước. Trong lĩnh vực giải trí trực tuyến, VNG dẫn đầu trong việc phát hành và sản xuất game online, mobile game suốt 10 năm qua với nhiều sản phẩm thành công và trở thành huyền thoại ở Việt Nam. Hơn thế, VNG đã tự nghiên cứu và sản xuất thành công các game dành cho thiết bị di dộng cho thị trường Việt Nam và thế giới, phục vụ cho hơn 200 quốc gia với trung bình 18 triệu người dùng/tháng.

         Cùng ngày hôm nay, công ty VNG đã trình hội đồng cổ đông phê duyệt danh sách ngành nghề bổ sung bao gồm: Sản xuất linh kiện điện tử; Sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; Sản xuất thiết bị truyền thông; Sản xuất đồ điện dân dụng; Bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh…

Đọc thêm