Vở chèo 'Mưa đỏ' - khúc tráng ca Thành cổ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sở VH-TT TP Hải Phòng phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng đã chính thức ra mắt vở chèo “Mưa đỏ”, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai về đề tài chiến tranh cách mạng, tái dựng lại bức tranh bi tráng về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972.
Một cảnh trong vở chèo. (Ảnh: TTXVN)
Một cảnh trong vở chèo. (Ảnh: TTXVN)

Đây là công trình nghệ thuật hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Tái dựng lại bức tranh bi tráng về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, “Mưa đỏ” đã thực sự làm lay động trái tim khán giả.

Bối cảnh chính của “Mưa đỏ” là cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trong đó, nhân vật chính là Cường, một chàng trai Hải Phòng tuổi đời mới đôi mươi, đang là sinh viên khoa Biên kịch của Trường Nghệ thuật Sân khấu. Cường là con trai duy nhất trong gia đình có bố là liệt sĩ hy sinh thời chống Pháp, mẹ là cán bộ ngoại giao. Như bao chàng trai thời chiến, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Cường đã gác bút nghiên lên đường ra mặt trận. Anh được phân công vào chiến trường Quảng Trị. Tại đây, anh cùng đồng đội được giao nhiệm vụ phải bảo vệ cho bằng được Thành cổ Quảng Trị, không để cho quân thù cắm cờ lên nóc thành.

Vở kịch đã tái hiện lại một cách khá chân thực không khí đầy ác liệt, bi tráng và những hy sinh quả cảm của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ở đó, bên cạnh sự khốc liệt của chiến tranh còn có những phút giây đầy chất thơ của những người lính trẻ. Ở đó, ước mơ tuổi trẻ vẫn tiếp tục được thắp lên và sự hào hoa của những chàng trai miền Bắc vẫn sáng bừng lên giữa mưa bom bão đạn.

Sau đêm diễn thành công tại Nhà hát Lớn Hải Phòng ngày 22/7, ngày 30 và 31/7 tới, vở chèo “Mưa đỏ” sẽ diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tiếp đó sẽ diễn tại các khu công nghiệp và một số chương trình xã hội, ở vùng sâu, vùng xa của các địa phương.

Đọc thêm