Tính đến ngày 12/3 là tròn đúng 1 tuần lễ chiếu sớm của phim "Bố già" đồng thời cũng là ngày công chiếu chính thức của phim, tuy nhiên, bộ phim này đã thu về con số đáng ngưỡng mộ - 150 tỷ đồng. Đây được xem là cú mở màn không thể tuyệt vời hơn đối với "Bố già" và ê-kíp phim.
Ghi nhận của PV tại nhiều cụm rạp trên địa bàn Hà Nội, bất chấp dịch Covid-19, người dân Hà Nội vẫn đổ xô đến các rạp chiếu phim từ rất sớm. Ngay từ sáng 12/3, vẫn còn ngày làm việc, các suất chiếu “Bố già” đã kín rạp, đến buổi tối số lượng người xem ngày càng tăng, nhiều suất chiếu khung giờ vàng đã hết vé từ rất sớm.
|
Mặc dù đang ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng khán giả đến rạp chiếu phim vẫn rất đông. |
|
Các suất chiếu khung giờ vàng đã hết vé từ rất sớm. |
Các suất chiếu liên tục từ khoảng 19 giờ 30 phút trở về sau tại CGV Vimcom Bà Triệu đều được đặt hết vé dù lúc đó chỉ mới 18 giờ. Các suất chiếu dày đặc, cách nhau chỉ 1 tiếng mà lượng người đến xem vẫn rất đông, xếp hàng dài chờ xuất vé. "Tôi đặt vé xem phim trước 1 ngày, nhưng chỉ còn suất chiếu lúc 20h15" - Thu Trà, khán giả xem phim chia sẻ.
|
Khán giả xếp hàng mua vé xem phim "Bố già". |
Chỉ riêng với việc “Bố già” là một bộ phim có chủ đề về gia đình - một chủ đề đại chúng, mang tính "toàn cầu", bộ phim đã thu hút đông đảo khán giả trong đó lượng lớn là khán giả lớn tuổi (điều mà trước nay hiếm có bộ phim Việt nào làm được).
"Bố già" mang đến những câu chuyện cảm động về tình cha con, tình cảm gia đình. Ở “Bố già”, có một người cha yêu thương con hết lòng, đến nỗi bị cho là bao đồng, nhiều chuyện. Cũng có một người con ngỗ nghịch, chỉ muốn sống theo cách riêng của mình. Mỗi tình tiết trong phim đều gần gũi, để ai cũng nhìn thấy bản thân mình trong đó. Về mặt cảm xúc, điều quan trọng nhất "Bố già" làm được là cho khán giả thấy mình ở trong bộ phim thông qua lăng kính của các diễn viên. Chính vì vậy mà bộ phim nhận "cơn mưa" lời khen của khán giả.
"Tôi đã xem và cảm thấy xứng đáng. Thứ mà tôi đọng lại được ở phim là: Bao lâu rồi con chưa có 1 tấm hình với Cha" - khán giả Phạm Chi chia sẻ sau khi bước ra khỏi rạp chiếu phim.
|
Bộ phim lấy đi nước mắt của nhiều khán giả. |
Khán giả Vũ Kim Nhung nhận xét: "Bộ phim cướp đi khá nhiều tiếng cười và nước mắt của tôi. Ai không xem sẽ hối hận." Chị cũng bày tỏ sự ngạc nhiên "Chưa bao giờ tôi đi xem phim mà kín rạp lúc nửa đêm như thế này." Khi được hỏi lý do tại sao chị lại cố gắng xem "Bố già" bằng được dù chỉ đặt được suất chiếu muộn, chị Nhung chia sẻ: "Trước đó bạn bè xung quanh tôi đã đi xem suất chiếu sớm, ai nấy đều tấm tắc khen, nên tôi cũng tò mò muốn biết thử cái gọi là "rơi nước mắt vô thức trong rạp". Cứ nghĩ rằng phim chiếu được 6 ngày rồi thì rạp không đông lắm nên chủ quan không đặt vé trước, ai ngờ đến đây mới thấy đông quá, xếp hàng chen lấn mãi mới mua được vé, tuy phải ra về muộn, nhưng tôi cảm thấy quyết định của mình đúng đắn, không lãng phí hơn 2 tiếng của cuộc đời."
Khán giả Phạm Ngọc Hà chia sẻ: “Mặc dù “Bố già” không phải là bộ phim xuất sắc, đầu tư về kỹ xảo nhiều nhưng thành công lớn nhất là do kịch bản tạo ra. Ekip làm phim dường như hiểu khán giả đang nghĩ gì, đang cần gì. Lời thoại giản dị cùng với hình ảnh Sài Gòn hết sức quen thuộc, khắc họa tâm lí nhân vật cực kỳ rõ nét”. Cùng chung nhận định, trên mạng xã hội, nhiều khán giả sau khi theo dõi bộ phim đánh giá: “Phim có nhiều lời thoại ý nghĩa, chạm đến cảm xúc người xem, đặc biệt với những người tâm lý, sống tình cảm”; “Phim đã chạm đến trái tim tôi và khiến tôi khóc, nhớ về bố của mình”.
"Thực sự phim không phải là quá mới, quá hay, quá xuất sắc nhưng mà nó đánh đúng vào tâm lí tình cảm gia đình nên đã lấy đc nước mắt của người xem, rồi tự liên hệ lại với chính bản thân mình đã đối xử như thế nào với bố mẹ, giống như 1 phần cảnh tỉnh. Nói chung phim rất đáng tiền xem nhưng hơi tốn nước mắt." - khán giả Minh Lộc bày tỏ.
Tuy nhiên, “Bố già” vẫn còn nhiều điểm hạn chế về kịch bản cho đến diễn xuất... chưa thực sự làm hài lòng nhiều khán giả khó tính.
Khán giả Quỳnh như chia sẻ: "Theo mình phim chỉ ở mức tạm được chứ không phải hay. Thấy mọi người review thần thánh hoá nhưng chỉ được điểm 6 mà thôi. Nhiều chỗ thiếu logic và ko giải quyết đc vấn đề, dài dòng nữa. Tuy nhiên vẫn đáng để mọi người mua vé ra rạp xem giải trí."
Anh Ngọc Lâm lại nói: "Lần đầu xem tôi khá thất vọng, có phần ngỡ ngàng khi thấy nhiều khán giả dành lời khen có cánh cho phim. Kịch bản phim chưa đạt tầm vóc điện ảnh, câu chuyện chưa đủ sức nặng, phim không thực sự đặt ra được vấn đề và giải quyết vấn đề."
|
Tạo hình của diễn viên Trấn Thành trong phim. |
"Một số tình tiết đáng giá như lựa chọn nghề nghiệp của Quắn bị họ hàng coi thường (vấn đề rất nhức nhối với giới trẻ), bệnh tim và máu khó đông của Quắn, việc các chị em đối xử tệ bạc với Ba Sang khi ông sa cơ, người mẹ ruột tráo trở của bé Bù Tọt... được nhắc đến nhưng bị bỏ lửng, không rõ kết cục...." khán giả Ngọc Lâm chia sẻ thêm.
Khán giả Phạm Ánh lại nói: "Phim cũng đáng xem nhưng về độ xuất sắc như truyền thông thì thực sự là không tới. Tuy nhiên thấm cũng chưa thấm, vì Tuấn Trần đóng cá nhân mình thấy không xuất sắc, mình không thích nét diễn và cả nhân vật của anh ta nên thấy ko hay. Nét diễn của hầu hết diễn viên chính trong phim quá "kịch" không chân thật. Kết lại là sẽ hơi thất vọng vì mình đã kì vọng nhiều."
Khán giả Phan Thanh Tuấn chia sẻ: “Kết phim mình cảm nhận thấy thiếu cao trào và rõ ràng. Có lẽ do thời lượng phim đã quá dài nên chỉ được đến vậy. Diễn xuất của diễn viên đa phần là ổn, có những vai diễn cảm xúc không được trọn vẹn. Nội dung dễ đoán, tình tiết thường gặp. Là một fan của phim điện ảnh, tôi có thể đoán được gần như hết các tình tiết xảy ra tiếp theo của bộ phim”.
Tuy còn nhiều ý kiến trái chiều về bộ phim, nhưng hiện tại khi cơn sốt "Bố già" đang bao trùm rạp Việt, có thể khẳng định: riêng ở thời điểm này, “Bố già” đã chạm đến trái tim của người xem. Bộ phim đánh dấu một bước tiến mới trong sự nghiệp của Trấn Thành, không phải với tư cách một diễn viên, một đạo diễn mà là một nhà làm phim thấu hiểu khán giả.