Nhiều hoạt động ý nghĩa
Chính thức khai mạc vào ngày 10/3, lễ hội Cà phê năm nay diễn ra đúng vào đúng vào dịp kỷ niệm 110 năm hình thành và phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột; 100 năm cây cà phê xuất hiện tại Tây Nguyên và kỷ niệm 40 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột - giải phóng tỉnh Đăk Lăk. Vì vậy, lễ hội rất thu hút được sự quan tâm của người dân địa phương, du khách trong, ngoài nước và bạn bè quốc tế.
Với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Những đường xuân lịch sử”, nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc tái hiện lịch sử vùng đất Tây Nguyên từ thưở mở đất khai cơ đến chiến thắng Buôn Ma Thuột, khởi đầu quan trọng cho thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước diễn ra trong suốt những ngày tổ chức lễ hội.
Cũng trong hoạt động của lễ hội, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức triển lãm “Thời gian lịch sử và chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc” với 191 hiện vật, 143 hình ảnh, 23 tư liệu, bản trích, 57 sơ đồ, bản đồ và 40 câu chuyện của nhân chứng lịch sử, tái hiện sinh động quá khứ hào hùng của quân và dân Đắk Lắk trong chiến đấu và chiến thắng; những đổi thay về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đắc Lắc sau 40 năm giải phóng; khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hoạt động văn nghệ trong buổi bế mạc Lễ hội cà phê năm 2015 |
Nhộn nhịp nhất là khu vực Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê. Bắt đầu mở cửa từ ngày 9/3, Trên 700 gian hàng đẹp mắt, trưng bày vô số sản phẩm cà phê và rất nhiều loại hàng hóa phụ trợ, máy móc phục vụ cho việc thâm canh chăm sóc, chế biến cà phê phục vụ du khách. Trong suốt những ngày lễ hội, khu vực lúc nào cũng rất đông đúc người tham quan, mua sắm.
Ấn tượng đọng lại
Lễ hội Cà phê lần thứ V có sự góp mặt của hàng trăm nhãn hàng cà nổi tiếng trên cả nước cũng như tại Tây Nguyên. Mười lăm nghìn ly cà phê miễn phí tại 25 quán trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, các gian hàng và 50 xe cà phê trên vỉa hè các tuyến đường Y Ngông, Lê Duẩn.
Một số hoạt động trong lễ hội cà phê 2015 |
Bên thềm lễ hội Cà phê, các hội nghị, hội thảo bàn về giải pháp phát triển cà phê bền vững và các hoạt động khác như hội thi dành cho nhà nông, hội thi pha chế cà phê… cũng được tổ chức, nhằm tiếp tục tôn vinh người trồng cà phê, quảng bá thương hiệu cà phê và văn hóa du lịch cà phê Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại buổi bế mạc, ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk – Trưởng ban tổ chức Lễ hội cho biết Lễ hội cà phê năm 2015 đã tiếp tục thực hiện việc quảng bá thương hiệu và tôn vinh mặt hàng cà phê của Việt Nam. Lễ hội cũng nhằm khẳng định vị trí quan trọng của cà phê Việt Nam trong ngành cà phê thế giới và nâng cao giá trị xuất khẩu cho các thương hiệu cà phê trong nước.