Hủy thi ACT vì lộ đề
Vụ bê bối thiên vị ở Đại học Nữ giới Hoa Lê là vụ việc gây chấn động nhất, nhưng không phải là vụ việc duy nhất gây ê chề cho ngành giáo dục Hàn Quốc trong năm 2016. Trong năm này, các trung tâm khảo thí ACT đặt ở Hàn Quốc cũng đã hủy thi hàng loạt.
ACT là kỳ thi chuẩn hóa mà các thí sinh cần phải tham gia nếu muốn nhập học các trường đại học của Mỹ. Du học nước ngoài là một lựa chọn rất phổ biến của học sinh và phụ huynh Hàn Quốc bên cạnh lựa chọn học tập ở các trường trong nước. Hiện tại, Hàn Quốc là quốc gia có đông sinh viên theo học tại các trường đại học Mỹ đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau hai quốc gia rất đông dân là Trung Quốc và Ấn Độ.
Một công ty tổ chức cuộc thi ACT để xin vào đại học Mỹ ngay lập tức thông báo huỷ bỏ cuộc thi ở Hàn Quốc sau khi xác nhận đề thi bị "đánh cắp".
Người phát ngôn của công ty, ông Edward Colby cho hay, công ty của ông hủy cuộc thi vào phút chót cho khoảng 5.500 thí sinh tại 56 địa điểm sau khi nhận được “bằng chứng khả tín” của một vụ dữ liệu bị xâm nhập. Ông nói thêm rằng, đây là lần đầu tiên cuộc thi này bị huỷ trên phạm vi một nước. Không rõ đề thi bị đánh cắp như thế nào và khi nào, nhưng ông Edward Colby nói rằng tất cả thí sinh sẽ được nhận lại lệ phí ghi danh dự thi và kỳ thi sẽ phải tổ chức lại.
Hoạt động tổ chức thi ACT vốn minh bạch tại Mỹ và châu Âu, nhưng đã bị biến tướng nghiêm trọng ở Hàn Quốc. Việc gian lận thi cử tràn lan cùng tệ nạn mua bán đề đã buộc các nhà cung cấp chương trình khảo thí ACT hủy bỏ các kế hoạch tổ chức thi tại nước này.
“Chúng tôi không thể tiếp tục cho phép những hành vi tội phạm của một vài cá nhân vô đạo đức phá hoại nỗ lực của những thí sinh cần cù, trung thực”, bà Suzana Delanghe, giám đốc thương mại chương trình khảo thi ACT phát biểu trên Thời báo Tài chính.
Việc các trung tâm khảo thí ACT phải hủy thi đánh động dư luận quốc tế về cái được gọi là “cuộc chạy đua vũ trang giáo dục” đang diễn ra tại Hàn Quốc cũng như nhiều nước có cùng văn hóa khoa cử ở châu Á. Trong một xã hội đòi hỏi thành công nhưng lại không có đủ cơ hội việc làm, phụ huynh và học sinh sẵn sàng làm tất cả để vượt lên trong các kỳ thi: Từ ôn luyện ngày đêm cho tới gian lận khi thi cử.
Anh John Kye, một giảng viên của một trung tâm luyện thi ACT tại Hàn Quốc đã tiết lộ cho Thời báo Tài chính về việc đề thi thường xuyên bị các nhân viên của trung tâm khảo thí để lọt ra ngoài nhiều ngày trước khi thi. Sau khi nhận được đề, các trung tâm luyện thi sẽ “lựa chọn và chỉ liên lạc với một số phụ huynh và học sinh, có lẽ do họ cũng hiểu việc mà họ đang làm là bất hợp pháp, hoặc ít nhất cũng là vô đạo đức”, anh cho biết.
Anh John Key cho biết cũng từng được một phụ huynh đề nghị trả tới 25.000 USD để tham gia thi ACT ở Mỹ, sau đó lợi dụng sự chênh lệch múi giờ để chuyển đề thi về Hàn Quốc cho con trai của phụ huynh này.
Việc gian lận thi cử trong kỳ thi ACT ở Hàn Quốc phổ biến đến mức đã xuất hiện nghề “cò đề” – những người đóng vai trò trung gian mua bán đề thi giữa các lò luyện thi và phụ huynh. Mỗi “thương vụ” thành công có thể đem lại lợi nhuận đến hàng chục nghìn USD. “Những thí sinh không gian lận buộc phải chấp nhận thực tế rằng có quá nhiều kẻ gian lận.Và họ không biết phải làm gì để chống lại sự bất công này”, anh Kye cho biết.
Việc hầu hết các trung tâm khảo thí ACT hủy bỏ lịch thi ở Hàn Quốc mùa hè năm 2016 đã làm ảnh hưởng đáng kể đến các thí sinh ở quốc gia này. Do kỳ thi không được tổ chức, hàng nghìn thí sinh đã không có chứng chỉ cần thiết và buộc phải ra nước ngoài thi ACT để kịp xét tuyển và nhập học.
Gian lận kỳ thi SAT
Ngày 1/5/2013, kì thi chuẩn tiếng Anh quốc tế SAT ở Hàn Quốc đã bị hủy sau khi College Board, cơ quan giám sát kì thi SAT, và Educational Testing Service (ETS), cơ quan chấm điểm kì thi - nhận được thông tin các công ty luyện thi Hàn Quốc đã có được bài thi trước và phân phát tới học viên. Vụ bê bối gian lận thi cử lần này đã gây chấn động dư luận tại thời điểm ấy.
Kì thi SAT được xếp lịch vào ngày 4/5/2013 với khoảng 1.500 học viên đã đăng kí dự thi. Nhiều người hy vọng rằng điểm thi cao sẽ giúp họ được tuyển vào những trường đại học Mỹ thuộc tốp đầu.
Việc hủy bỏ kì thi SAT đã từng xảy ra tại Hàn Quốc nhưng là với quy mô một vài trung tâm cá biệt hoặc ở một khu vực nhỏ, nhưng lần này khác. Kì thi bị hủy bỏ trên toàn quốc, phí dự thi được hoàn lại cho toàn bộ thí sinh đã đăng kí.
College Board nói rằng sẽ hỗ trợ cơ quan điều tra lôi ra ánh sáng những cá nhân và tổ chức tham gia gian lận. Hiện vẫn chưa rõ các trung tâm thi hoặc luyện thi nào bị điều tra. Tuy nhiên theo nhà chức trách địa phương thì điều tra đang được tiến hành với toàn bộ 68 trung tâm luyện thi tại Seoul, thủ đô Hàn Quốc. Ít nhất 10 nhân viên trung tâm đã được yêu cầu không xuất cảnh - theo Wall Street Journal.
Cũng theo Wall Street Journal thì một số nhân viên trung tâm tổ chức thi thừa nhận gian lận lan rộng. Những bản copy của bài thi SAT có thể mua từ cò với giá khoảng 4.500 USD. Đơn đặt hàng bài thi SAT bất hợp pháp dường như từ các phụ huynh, những người sẵn sàng làm bất cứ điều gì kể cả phi pháp để khiến con đường vào đại học của con được rộng mở.
Hồi tháng 1/2007, 900 điểm thi SAT đã bị hủy bỏ sau khi xác định một số thông tin biết trước đề thi. Rõ ràng là việc bảo mật đề thi SAT tại Hàn Quốc có vấn đề và cần phải thanh sát lại toàn bộ quy trình bảo mật. Sau đó, ngày thi SAT được lùi lại tới tháng 6/2007 nhưng nhiều thí sinh Hàn Quốc đã chuẩn bị tinh thần vì có thể kì thi lại bị hủy bỏ.
Nhiều thí sinh đã có kế hoạch đăng kí thi tại Hồng Kông hoặc Nhật Bản. Việc tới một quốc gia khác dự kì thi SAT cũng được coi là mang tới sự bảo đảm giá trị cao hơn cho điểm số SAT mà họ đạt được thay vì thi tại Hàn Quốc.
Những bê bối gian lận trong thi cử đang buộc Hàn Quốc phải nhìn nhận lại văn hóa khoa cử. Nỗi ám ảnh mang tên “đỗ đại học” xuất phát từ kỳ vọng phi thực tế của phụ huynh. Quan niệm sai lầm rằng đại học là điều kiện cần cho một tương lai tốt đẹp đã đẩy nhiều thí sinh và gia đình của họ vào tình thế buộc phải từ bỏ những nguyên tắc đạo đức của mình. Đây chính là khởi nguồn của thực trạng gian lận thi cử và là một nhược điểm của những nền giáo dục có văn hóa khoa cử như Hàn Quốc.
Nhưng chịu thiệt hại nặng nề hơn nữa chính là uy tín của phụ huynh, học sinh và của cả ngành giáo dục Hàn Quốc. Việc kỳ thi bị hủy bỏ vì lý do gian lận đã đóng mác “không trung thực” lên nền giáo dục nước này, gây sụt giảm uy tín học thuật của giáo dục Hàn Quốc trên toàn thế giới.