Năm 2015, VPBank được phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 18% (gồm cho vay khách hàng, đầu tư trái phiếu…). Giữa lúc nợ xấu tăng rất nhanh, VPBank đang đối mặt với nguy cơ giảm lợi nhuận nếu không xử lý được nợ xấu như kế hoạch đề ra.
"Dọn" nợ xấu trên sổ sách
Theo báo cáo này, tại thời điểm 30/6/2015, VPBank có tổng cộng gần 5.442 tỷ đồng nợ quá hạn (nợ nhóm 2 đến nhóm 5), chiếm 6,44% tổng dư nợ và tăng 32,35% so với đầu năm.
Trong đó, tổng nợ xấu (nhóm 3 đến 5) là hơn 2.109 tỷ đồng, chiếm gần 2,5% tổng dư nợ và tăng 6% so với đầu năng. Đáng ngại là nợ có nguy cơ mất vốn đã tăng gấp đôi, từ mức 515,87 tỷ đồng lên gần 1.076 tỷ đồng.
Do đó, VPBank đã phải trích lập dự phòng cụ thể tới 985,95 tỷ đồng, nhưng lại sử dụng nguồn dự phòng tới gần 1.190 tỷ đồng nên số dư còn lại 345,6 tỷ đồng (tại ngày 30/6/2015). Tính chung, dự phòng cuối kỳ còn lại 975,3 tỷ đồng.
Với việc tăng dư nợ cho vay thêm hơn 9.566 tỷ đồng, ngân hàng này đã giảm đáng kể tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách, trong khi cách làm truyền thống sẽ chậm hơn và ít hiệu quả.
Chưa hết, VPBank còn khoảng gần 4.842 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành mà thực chất là nợ xấu "đổi chủ" và vẫn phải xử lý, trích dự phòng rủi ro 20% giá trị trái phiếu mỗi năm (trong vòng 5 năm). Nếu sau 5 năm, ngân hàng chưa xử lý được khối nợ xấu này thì đồng nghĩa sẽ mất 100% dự phòng rủi ro để bù đắp nợ mất đi.
Bức tranh kinh doanh của VPBank bộc lộ nhiều gam màu xám khi hoạt động tín dụng tăng trưởng cao, tổng thu nhập tăng gần 35%, song nợ xấu "phình" to khiến lợi nhuận bị "hao hụt".
Cùng với số trích lập do kinh doanh ngoại hối, vàng thua lỗ, đầu tư chứng khoán, trái phiếu VAMC… dẫn tới lợi nhuận của VPBank như vậy là chưa tương xứng.
Tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm là 646,75 tỷ đồng, chỉ bằng 84,7% so cùng kỳ năm trước, lãi sau thuế 538,55 tỷ đồng chỉ bằng 88,33% cùng kỳ năm trước.
Khi hợp nhất báo cáo tài chính, VPBank đạt tổng lợi nhuận trước thuế 1.112 tỷ đồng, chỉ bằng 44,5% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 865 tỷ đồng.
Tiền "chạy" đi đâu?
Chia sẻ về việc xử lý nợ xấu "thần tốc" của ngân hàng, các chuyên gia tài chính cho rằng sẽ rất khó để xử lý nợ xấu theo cách truyền thống (thu hồi nợ vay, phát mại tài sản, bổ sung tài sản…) vì với những con nợ chây ỳ, hoặc mất khả năng tài chính, hoặc con nợ bỏ trốn, cho vay sai phạm, dự án và tài sản bảo đảm "ma" thì ngân hàng cũng phải bó tay.
Khi công ty VAMC ra đời với sứ mệnh là mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng, không ít chuyên gia đã ví von là "cây đũa thần" để dọn dẹp "núi nợ xấu". Về bản chất, trong hai năm hoạt động, VAMC mới chỉ mua gom nợ xấu, còn số nợ được xử lý không đáng kể.
Song, các ngân hàng buộc phải bán nợ xấu cho VAMC để "dọn" khỏi bảng cân đối kế toán trước áp lực giảm nhanh nợ xấu, làm sạch số liệu để đáp ứng các yêu cầu của NHNN.
Một cách khác được sử dụng phổ biến trong nhóm các ngân hàng "thân hữu" là mua bán nợ chéo với kỳ hạn từ 7-9 tháng (tránh thời điểm chốt sổ năm tài chính), quy mô nợ giao dịch khoảng trên dưới 2.000 tỷ đồng.
Có thể hình dung, ngân hàng A bán nợ cho công ty mua bán nợ của ngân hàng B, ngân hàng B bán nợ cho công ty mua bán nợ của ngân hàng C… Quy trình mua bán nợ được khép kín với số lượng nợ giao dịch, giá mua, kỳ hạn được xác lập bằng hợp đồng, thoả thuận tránh rủi ro "vỡ trận đồ".
Dù không thuyết minh chi tiết, nhưng báo cáo của VPBank tiết lộ, đến hết quý II/2015, ngân hàng phải thu tiền bán nợ lớn và đang ẩn nấp trong số 5.658 tỷ đồng khoản phải thu từ hợp đồng mua bán nợ, chứng khoán… Ngược lại, VPBank phải trả tiền cho các đối tác giao dịch mua bán nợ (nằm trong số 2.840 tỷ đồng khoản phải trả khác).
Tương tự, Techcombank cũng tích cực mua bán nợ với các TCTD khác, như một giải pháp giữ nợ luôn "sạch" trên sổ sách.
Về bản chất, các giao dịch mua bán nợ giữa các ngân hàng chỉ là "đổi chủ" nợ, còn thực tế ngân hàng vẫn phải giám sát, xử lý thu hồi nợ theo đúng tư cách pháp nhân.
Điều đáng lo ngại là khi cả nghìn tỷ đồng nợ chỉ "chạy" lòng vòng thì sẽ không thể sản sinh ra lợi nhuận, tăng giá trị doanh nghiệp và mang lại cổ tức cho cổ đông. Nhất là khi nợ xấu đang bị che giấu, không được xử lý triệt để.