Độc chiêu “né” thuế của thép Trung Quốc
Theo Chủ tịch VSA, lượng phôi thép giá rất thấp từ Trung Quốc đổ vào nước ta đã và đang đe dọa các nhà máy luyện thép trong nước. Hiện các doanh nghiệp mới chỉ duy trì được khoảng 60% công suất. “Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và cả các đơn vị sản xuất thép sẽ khó có khả năng đứng vững, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường xuất khẩu do nhu cầu trong nước bước vào giai đoạn suy giảm”, ông Dũng lo lắng.
Trước đó, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phôi thép nhập khẩu về Việt Nam tính đến 15/9 là 1.135.815 tấn, trị giá trên 421 triệu USD, tăng tới 290% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, riêng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm trên 75% tổng sản lượng phôi nhập cả nước.
Đáng chú ý, gần đây một số công ty thương mại nhập khẩu phôi thép Trung Quốc khai là phôi thép hợp kim chứa nguyên tố Crom (Crom > hoặc = 0,3%) với mã HS 7224.90.00 để hưởng thuế suất 0%. Đơn cử trong tháng 9, lượng phôi thép nhập khẩu theo mã này lên đến 62.017 tấn với trị giá trên 20 triệu USD. Theo VSA, nếu so với thuế suất 9% đang áp cho phôi vuông thông thường (mã HS 7207.11.00), chỉ riêng trong hai tháng 8 và 9, ngân sách nhà nước đã bị thất thu trên 1,89 triệu USD.
Trong khi về bản chất, phôi thép chứa hàm lượng rất nhỏ Crom là không khác biệt gì với phôi thông thường. Chiêu thức “lách thuế” tương tự vốn từng được nhiều doanh nghiệp áp dụng để nhập khẩu thép xây dựng chứa hàm lượng rất nhỏ Boron hồi năm 2014.
“Một mũi tên trúng hai đích”, sản phẩm thép có chứa nguyên tố hợp kim của Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam ngoài việc được chính phủ nước này hoàn thuế thì khi vào còn được hưởng thuế suất 0%, vì vậy giá bán rất thấp, “làm mưa làm gió” trên thị trường.
Trước thực trạng trên, VSA kiến nghị trong khi chờ đợi văn bản mới thay thế Thông tư liên tịch số 44/TTLT-BTC-BKHCN, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu phôi thép hợp kim có chứa nguyên tố hợp kim Crom. Trường hợp phát hiện phôi thép hợp kim được sử dụng để cán thép xây dựng thông thường thì đề nghị truy thu thuế (9%) và xử phạt nặng các đơn vị nhập khẩu.
Đặc biệt, VSA đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan dừng thông quan đối với các lô hàng nhập khẩu phôi thép có chứa Crom kê khai mã HS 7224.90.00 để đợi kiểm tra, giám sát.
Bịt lối này, vào lối khác
Nguồn tin của PLVN cho biết, “nguyện vọng” của VSA đã nhận được sự đồng thuận của Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ này dự kiến cũng sẽ bổ sung nhóm hàng này vào danh mục phải chịu thuế suất 10% như đã từng xử lý đối với thép xây dựng chứa nguyên tố Boron trước đây. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng lưu ý khả năng doanh nghiệp lại vận dụng ngả đường khác trong khuôn khổ ACFTA (Hiệp định Tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc) để tiếp tục nhập khẩu với thuế suất ưu đãi 0%.
Hôm 19/10, trong bài "Nghịch lý sau khoản lãi 3.000 tỷ của Hòa Phát", PLVN cũng đã đề cập đến hoàn cảnh lao đao của ngành Thép trong nước do phải đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là sức ép từ nguồn cung dư thừa từ các nhà sản xuất Trung Quốc với chiến lược tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong bối cảnh đó, những con số “như mơ” từ “đại gia” Hòa Phát thực sự tạo nên sự khác biệt. Theo con số của Hòa Phát, lũy kế 9 tháng đầu năm, ước cả Tập đoàn đạt doanh thu 20.616 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 2.938 tỷ đồng, tức bằng 92% kế hoạch doanh thu và 90% lợi nhuận năm 2015, trong đó ngành sản xuất kinh doanh thép gồm hai sản phẩm chiến lược là thép xây dựng và ống thép có mức tăng trưởng mạnh.
Công ty thép của ông “bầu” Trần Đình Long từng bị nhiều doanh nghiệp trong ngành tố cáo là “lũng đoạn thị trường”, “ép giá”… Tuy nhiên, nay đối thủ đến từ bên kia biên giới mới thực sự là người ra đòn “nốc ao” với ngành Thép trong nước.
Trong số rất nhiều kiến nghị lên trên, VSA còn muốn được hỗ trợ trong việc nghiên cứu thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá. Nhưng trong dòng thác hội nhập này, cách tự vệ hiệu quả nhất chỉ có thể là tự hoàn thiện để tự cứu mình.