Vụ 6 người bị giết: Nếu chỉ chỗ giấu tiền, các nạn nhân có chết?

(PLO) - Vốn được đánh giá chăm học, lành tính nhưng Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến (cùng 24 tuổi) đã gây ra vụ giết 6 người tại Bình Phước chấn động dư luận. PGS.TS Trần Quốc Thành, Khoa tâm lý-giáo dục trường ĐHSP Hà Nội phân tích những diễn biến tâm lý khiến các hung thủ ra tay dã man như vậy.
Chủ mưu Dương “vỡ mộng”, mang tâm lý hận tình?
Chủ mưu Dương “vỡ mộng”, mang tâm lý hận tình?
- Sau vụ án, có ý kiến cho rằng tâm lý xã hội đang thay đổi, một số giá trị đảo lộn, ông có đồng ý với ý kiến trên? 
Tâm lý con người phản ánh hiện thực xã hội. Ngày nay hệ thống giá trị sống, thang đạo đức bị thay đổi nên tâm lý con người cũng thay đổi phức tạp. Con người ngày nay không hướng về những giá trị cũ trong khi hệ giá trị mới chưa kịp thay thế tạo ra tâm lý hồ nghi, mất niềm tin. 
Ví dụ xã hội đã quá quen với khái niệm “bôi trơn” trong công việc khiến khi một ai đó tự giải quyết bằng chính năng lực thì người khác không tin. Họ đưa ra những câu hỏi bàn tán “làm gì có chuyện đó”, “không tiền đút lót làm sao giải quyết xong”. 
Hay một tài xế đi đường gặp nạn nhân tai nạn giao thông, tốt bụng đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nhưng sau đó tài xế ấy bị chính gia đình nạn nhân vu oan bằng những câu hỏi: “Làm gì có người tốt bụng đến thế”, “không gây tai nạn làm sao phải chở người ta đến viện”. Có nghĩa rằng có người không tin vào nhiều chuẩn mực xã hội nữa.
Nghi can Nguyễn Hải Dương
 Nghi can Nguyễn Hải Dương
Đáng lo lắng nhất là dòng tâm lý tiêu cực ảnh hưởng từ game, phim ảnh mang tính chất rùng rợn, bạo lực. Nó làm con người ngày càng trở nên manh động, hung hãn hơn. Hai hung thủ trong vụ thảm sát ở Bình Phước có thể là nạn nhân của sự thay đổi tâm lý xã hội chung. 
Mặt khác tâm lý tiêu cực nảy sinh một phần do công tác tuyên tuyền hệ giá trị mới vào cuộc sống chưa tốt. Chẳng hạn giá trị tôn trọng lẫn nhau vẫn chưa thực hiện được tốt. 
Ví dụ con người khi thấy bạn bè, đồng nghiệp giàu có, thành công đúng ra phải chúc mừng nhau. Tuy nhiên đa phần chúng ta vẫn tồn tại ít nhiều tâm lý so bì, đố kị, ghen ghét nhau. Tóm lại tâm lý xã hội không ổn định nên hành vi xã hội không thể ổn định.
- Phân hoá giàu nghèo làm thay đổi tâm lý tội phạm nói chung thế nào?
Kinh tế thị trường làm khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa ra. Trong khi một số người nắm bắt tốt cơ hội vươn lên giàu có thì vẫn có những người không thoát khỏi sự nghèo đói. 
Những người này hoặc cố vươn lên nhưng không được, hoặc lười lao động nhưng vẫn muốn “hơn người”. Họ nảy sinh tâm lý bất mãn, buông xuôi hoặc vươn lên số phận không đúng cách như trộm, cướp, lừa đảo mà trở thành tội phạm. 
Trong vụ án ở Bình Phước, cả hai hung thủ đều phụ việc tại xưởng mộc, thu nhập không ổn định. Có thể cả hai đã so bì với những người giàu xung quanh, sinh ra tâm lý bất công, thù hằn xã hội. 
Chúng ta còn nhớ vụ thảm sát ở Đại học bách khoa Virginia (Mĩ) xảy ra vào ngày 16/4/2007, thủ phạm đã bắn chết 32 người và làm bị thương nhiều người khác trước khi tự sát. Trong lúc nổ súng, thủ phạm lẩm bẩm “sao chúng mày giàu thế”.  Câu nói cho thấy thủ phạm chịu ảnh hưởng sự phân hoá giàu nghèo. Xã hội Việt Nam không phải ngoại lệ.
- Theo ông tại sao hung thủ trong vụ thảm sát ra tay dã man?
Động cơ chính của Dương (giữ vai trò chính trong vụ án theo điều tra ban đầu) và Tiến là trả thù nên mới ra tay máu lạnh. Điều này thể hiện ngay khi vừa vào cổng biệt thự, chúng đã sát hại cháu bé ra mở cửa. Tiếp đó lần lượt giết tiếp năm người khác. 
Nguyên nhân có thể Dương bị người yêu chia tay, gia đình người yêu cũ khinh rẻ nghèo khó mới sinh tâm lý trả thù. Ở đây cũng dễ thấy tâm lý “không ăn, đạp đổ” của Dương khi sát hại người yêu cũ. Nhất là thời gian này người yêu cũ của hung thủ công khai có bạn trai mới.
Chi tiết hung thủ dùng loại dây thắt (loại dây tội phạm thường sử dụng khi gây án) để trói nạn nhân và sự chuẩn bị kĩ lưỡng của hung thủ (đeo găng tay, bịt mặt, tạo bằng chứng ngoại phạm) cho thấy nhiều khả năng chúng ảnh hưởng từ phim ảnh, trò chơi bạo lực. 
Tóm lại các tâm lý tiêu cực như tự ti về hoàn cảnh nghèo khó, đố kị, bất mãn khiến hai thủ phạm ra tay tàn ác. Trong đó tâm lý trả thù đóng vai trò mấu chốt. Thông thường, khi chưa ra tay giết người thì hung thủ không dám hành động. Nhưng một khi đã ra tay, đã giết một người thì hung thủ sẵn sàng ra tay tiếp. Đây gọi là dấu hiệu “say máu” trong gây án. 
Với hung thủ Tiến, do tham tiền đã đồng ý hỗ trợ Dương gây án. Có thể Tiến không rõ mục đích gây án từ đầu, không chủ đích giết người nhưng khi đã bị cuốn vào sự việc lâm vào thế “đã rồi” nên tham gia đến cùng.
- Nhiều ý kiến nói rằng nếu các nạn nhân chỉ ra chỗ giấu tiền có thể được tha mạng, ông thấy thế nào?
Theo tôi khả năng này rất thấp vì động cơ gây án của Dương và đồng phạm nhằm trả thù là chính. Bằng chứng là ngay khi vào cổng, các hung thủ đã ra tay giết cháu bé ra mở cửa. Với tâm lý này, chúng sẽ gây án đến cùng.
CQĐT mới công bố lời khai mới nhất của Tiến: Khi Dương ra tay sát hại cậu bé vừa mở cổng căn biệt thự, Tiến nói với Dương "về đi, đừng làm nữa". Tuy nhiên, Dương đáp lại: "Về làm sao được, đã làm thì làm tới cùng. Giờ mà về là lỡ hết việc của tao". Lời khai trên càng cho thấy chủ định gây án đến cùng của thủ phạm chủ mưu.
- Tại sao sau khi gây án, Dương và Tiến không hề bỏ trốn mà còn quay lại hiện trường?
Như đã nói, có thể Dương cho rằng kế hoạch gây án của mình hoàn hảo, không để lại dấu vết tại hiện trường, cộng với bằng chứng ngoại phạm sẽ khiến cảnh sát không thể tìm ra. Do đó hung thủ nảy sinh tâm lý chủ quan, quay lại hiện trường thăm dò thông tin. 
Thực tế chính tâm lý chủ quan (khó tránh khỏi) này mà các thủ phạm trong nhiều vụ án bị cảnh sát phát hiện bắt giữ.
- Qua vụ án này, ông có lời khuyên nào với các nạn nhân khi đối mặt với tội phạm trộm, cướp?
Mọi người khi đối mặt với tội phạm trộm, cướp; thì không nên chống cự hoặc tỏ thái độ chống cự tạo cho chúng cảm giác mất an toàn. Bởi khi cảm thấy mất an toàn, thủ phạm sẽ có những hành động ngoài dự tính nhằm bảo vệ mình. 
Lí do không nên chống cự nữa là đối tượng gây án thường ở thế chủ động nên việc chống cự thụ động ít khi mang lại tác dụng. Trong mọi trường hợp cần bình tĩnh nhận định tình hình rồi hành động tiếp, chẳng hạn như tương quan lực lượng giữa nạn nhân và tội phạm? Tội phạm có vũ khí hay không? Thực tế trong nhiều vụ trộm, thủ phạm không chủ định giết chủ nhà nhưng vì bị chống cự nên ra tay.
Tốt nhất các nạn nhân khi đối mặt tội phạm hãy cố gắng đáp ứng yêu cầu của chúng, ưu tiên đảm bảo tính mạng hàng đầu. Đồng thời kiên trì chờ đợi kẻ xấu nảy sinh tâm lý chủ quan rồi hành động tiếp (tấn công lại, bỏ chạy, kêu cứu…). 
Theo diễn biến tâm lý chung, khi một cá thể không bị đe doạ, không bị dồn vào thế đường cùng thì nó ít khả năng hành động quá giới hạn.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Đọc thêm