Vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong: cựu Giám đốc bệnh viện tranh luận 'nảy lửa' với VKS

(PLVN) - Ngày 22/1, phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 8 với phần tranh luận. Trong phần này, bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BVĐK Hòa Bình) thừa nhận, luận cứ buộc tội mình về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong sự cố y khoa làm chết 9 người do VKS đưa ra là có căn cứ. 
Bị cáo Trương Quý Dương

Ông Dương khẳng định mình có trách nhiệm trong sự cố, còn tội nặng hay nhẹ thì sẽ được pháp luật soi xét. Tuy nhiên, bị cáo này vẫn băn khoăn, cho rằng có một điều gì đó chưa thỏa đáng cho bản thân ông và 6 bị cáo còn lại trong vụ án này. Bởi theo ông Dương, biến cố xảy ra trong ngành Y tế có tính đặc thù. 9 bệnh nhân tử vong khi chạy thận là sự cố hy hữu trên thế giới. 

Cựu Giám đốc BV cho rằng nếu biến cố xảy ra ở một tỉnh nào đó trước Hòa Bình thì bản thân ông sẽ có những hướng xử lý để không xảy ra vụ việc như ngày 29/5/2017. Do đó, ông mong Tòa ngoài áp dụng các quy định “cứng” của pháp luật, có thể xem xét thêm tính đặc thù của ngành y tế. 

Tiếp lời, bị cáo này phân trần bản thân là Giám đốc BV nhưng chỉ chuyên khoa, nếu lấn sang lĩnh vực khác sẽ vi phạm Luật Khám chữa bệnh vì ở BV còn có các đầu mối quản lý khoa, phòng, ban khác. Ông ta đề nghị mỗi người phải thấy được trách nhiệm của mình, đừng đổ lỗi cho người khác.

Trước đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Dương cho rằng chủ trương thành lập Đơn nguyên Thận nhân tạo rất đúng đắn và đã được nhiều đơn vị, trong đó có Sở Y tế tỉnh Hòa Bình chấp nhận, thông qua. Cụ thể, luật sư Huỳnh Phương Nam cho rằng VKS truy tố bị cáo Trương Quý Dương về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là chưa đủ căn cứ. Bởi theo ông Nam, việc lập Đơn nguyên Thận nhân tạo xuất phát từ nhu cầu của địa phương để người dân được hưởng lợi, thay vì phải xuống Hà Nội chạy thận.

Luật sư này khẳng định chủ trương lập Đơn nguyên là rất đúng đắn, đã được nhiều đơn vị trong BV và cả Sở Y tế tỉnh Hòa Bình chấp nhận, thông qua, Đơn nguyên thận chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong BV, không có quy định cụ thể nào cấm thành lập. Về quy kết cho rằng bị cáo Dương thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, luật sư nói điều đó không có căn cứ bởi BVĐK Hòa Bình có sự phân cấp lãnh đạo, một mình ông Dương không thể quản lý, giám sát hết các bộ phận, phòng, ban…

Đối đáp lại quan điểm của bị cáo và luật sư, đại diện VKS tiếp tục khẳng định luận cứ buộc tội đối với bị cáo Dương đều phù hợp với quy chế đã được BV ban hành. “Bị cáo đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình”, nữ kiểm sát viên nói và cho rằng hành vi buông lỏng quản lý đó diễn ra trong thời gian dài, từ khi lập Đơn nguyên lọc máu cho đến hôm xảy ra sự cố y khoa (2010-2017). “Trong 7 năm đó, người đứng đầu BV đã bỏ mặc Đơn nguyên lọc máu cũng như buông lỏng quản lý thiết bị nơi đây, trong đó có hệ thống nước RO 2”, đại diện VKS nói.

Cũng theo lời đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa, bản thân bị cáo Dương là Giám đốc nên không thể giao hết trách nhiệm cho cấp dưới rồi bỏ mặc, mà phải quán xuyến nhân viên. Người đứng đầu phải có trách nhiệm cao nhất, nếu không thì ai cũng có thể làm Giám đốc. “Quá trình nghiên cứu vụ án và điều tra, cơ quan công tố xác định BVĐK Hòa Bình chưa ban hành quy trình sử dụng trang thiết bị y tế để nhân viên biết đâu là an toàn. Thiếu sót này đã để mặc các điều dưỡng viên và cán bộ BV không ai nhận biết được, rằng phải có kết quả xét nghiệm nước thì mới được vận hành máy lọc thận. Trách nhiệm này thuộc về bị cáo Trương Quý Dương”, lời kiểm sát viên.

Hôm nay, HĐXX tiếp tục làm việc. 

Đọc thêm