Vụ án 2 thửa đất bán cho nhiều người tại Long An: Luật sư đánh giá 'có dấu hiệu hình sự, cần kháng nghị giám đốc thẩm'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Luật sư cho rằng sự việc 2 thửa đất được bán cho nhiều người là có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều không xét đến tình tiết này, mà vẫn xác định chỉ là tranh chấp; nên bản án cần được kháng nghị giám đốc thẩm để xem xét lại.
Hai thửa đất trong vụ án. (Ảnh trong bài: Doãn Khởi)
Hai thửa đất trong vụ án. (Ảnh trong bài: Doãn Khởi)

Một tài sản, liên tiếp bán cho nhiều người

Theo Bản án sơ thẩm 39/2020/DS-ST của TAND huyện Bến Lức, Bản án phúc thẩm 276/2021/DS-PT của TAND tỉnh Long An, bà Nguyễn Thị Ngọc Hồng (ngụ 85/2 Trần Khắc Chân, quận 1, TP HCM) là người có nghĩa vụ trả nợ cho bà Lê Thị Nhâm (ngụ quận Tân Bình) 224 lượng vàng SJC. Nghĩa vụ trả nợ của bà Hồng được xác định trong Bản án 1066/2012/DS-PT của TAND TP HCM. Thi hành bản án năm 2012, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận 5 đã ban hành một số quyết định.

Sáu năm sau, giữa 2018, bà Hồng nhận chuyển nhượng 2 thửa đất nông nghiệp tổng diện tích gần 1,8ha tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, Long An (số thửa 101 và 140, tờ bản đồ số 8). Sau khi ký công chứng, bà Hồng đứng tên sổ đỏ.

Phát hiện bà Hồng có tài sản để THA, ngày 29/3/2019, Chi cục THADS Quận 5 ra Quyết định 08/QĐ-CCTHADS tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản (“phong tỏa”) với 2 thửa đất, đồng thời ngày 22/4/2019 ra quyết định ủy thác THA cho Chi cục THADS Bến Lức.

Tiếp nhận vụ việc, Chi cục Bến Lức tiếp tục tổ chức THA, ra quyết định “phong tỏa” 2 thửa đất vào ngày 19/6/2019. Quyết định này đã chuyển cho Phòng TN&MT, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Trước đó, chỉ ít ngày sau khi đứng tên sổ đỏ, bà Hồng đã thế chấp vào ngân hàng vay 1,6 tỷ đồng. Đầu tháng 2/2019, bà Hồng chuyển nhượng đất trên cho bà Dương Thanh Hương (ngụ quận 5) bằng giấy tay với giá 4 tỷ đồng, nhận cọc 1 tỷ đồng. Giữa tháng 3/2019, bà Hồng tiếp tục chuyển nhượng cho ông Hoàng Hữu Việt (ngụ quận Tân Phú) bằng giấy tay với giá 3,6 tỷ đồng, đã nhận cọc 500 triệu đồng.

Tài sản này sau đó được bà Hồng tiếp tục làm giấy bán cho bà Nguyễn Thị Loan (SN 1973, ngụ 21 Nguyễn An Ninh, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM). Theo lời khai của bà Loan, sau khi đi xem đất và đồng ý mua, thì bà Hồng lấy lý do sổ đỏ đang thế chấp ngân hàng, không ký hợp đồng chuyển nhượng được. Ngày 19/3/2019, hai bên ra văn phòng công chứng ký hợp đồng ủy quyền. Theo đó, bà Loan thay mặt bà Hồng được toàn quyền sử dụng, định đoạt (mua bán, chuyển nhượng, thế chấp…) 2 thửa đất. Trong ngày, bà Loan chuyển 3,6 tỷ đồng vào tài khoản bà Hồng.

Sau khi có sổ đỏ, đầu tháng 4/2019, bà Loan chuyển nhượng 2 thửa đất trên với giá 7,9 tỷ đồng cho ông Cao Minh Danh (ngụ quận 7). Hai bên ra công chứng hợp đồng đặt cọc 4 tỷ đồng. Ngày 12/7/2019, hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng. Nhưng mãi đến khi ông Danh làm thủ tục sang tên sổ đỏ thì được cơ quan chức năng Bến Lức thông báo khu đất trên bị “phong tỏa” theo quyết định của Chi cục THADS Bến Lức. Và quá trình khu đất bị bán cho nhiều người, sau đó đã bị “phong tỏa” mới bị phát giác. Các bên đưa nhau ra tòa.

Luật sư đánh giá cần thiết kháng nghị giám đốc thẩm

Trong bản án phúc thẩm, bà Loan là người bị mất mát nhiều nhất, khi phải trả lại tiền cọc 4 tỷ đồng và đền cọc 8 tỷ đồng cho ông Danh. Bà Loan cho hay đã thực hiện nghĩa vụ này với ông Danh.

Bà Loan cũng được tòa tuyên buộc bà Hồng phải trả cho bà số tiền 4,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay bà Loan vẫn chưa nhận được số tiền này.

Trong vụ kiện này, bà Loan đề nghị tòa tuyên tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán đất giữa bà Hồng, bà Loan. Tuy nhiên, tòa cho rằng hợp đồng mua bán đất giữa hai bên chỉ là hợp đồng giả tạo, giả cách nhằm che giấu quan hệ thực tế là bà Loan cho bà Hồng vay tiền với lãi suất 1%/tháng.

Một trong những căn cứ để tòa đưa ra nhận định trên là hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 19/3/2019 và biên bản bàn giao đất. Nội dung hai văn bản này (do bà Loan cung cấp cho tòa - NV) thể hiện bà Hồng chuyển nhượng bà Loan 2 thửa đất trên.

Tuy nhiên, bà Hồng cho rằng không ký tên vào 2 văn bản này, đề nghị tòa trưng cầu giám định. Kết luận giám định 361/2021/KLGĐ ngày 4/5/2021 của Công an tỉnh Long An xác định “chữ ký Nguyễn Thị Ngọc Hồng trong hai văn bản này với các chữ ký mẫu của bà Hồng không phải do một người ký ra”.

Bản án của TAND tỉnh Long An.

Bản án của TAND tỉnh Long An.

Giải thích nguyên nhân, bà Loan cho rằng khi lập văn bản, bà Hồng đã lợi dụng sự tin tưởng và sơ suất của bà Loan, để nhờ người khác ký thay, sau đó đưa bà Loan văn bản có chữ ký không phải do bà Hồng ký. Bà Loan cho rằng tình tiết này chứng tỏ thủ đoạn lừa dối của một vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bà Loan khai: “Nếu biết đó là chữ ký giả chữ ký bà Hồng, thì tôi đã giấu đi, chứ không chủ động cung cấp cho tòa và cơ quan chức năng đề nghị làm rõ”.

Cũng theo lời bà Loan, phải mua đất từ bà Hồng, thì sau đó bà mới bán đất cho ông Danh. “Nếu không thì tôi sẽ phạm tội lừa đảo với ông Danh”, bà Loan nói.

Tuy nhiên, giải thích của bà Loan không được tòa chấp nhận. Bản án phúc thẩm cho rằng hai bên lập hợp đồng ủy quyền hai thửa đất nhằm mục đích bảo đảm vay tiền. Nghĩa là bà Loan chuyển cho bà Hồng 3,6 tỷ đồng là cho vay, chứ không phải mua bán đất.

Luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn LS TP HCM) nhận định, sự việc một tài sản nhưng bà Hồng bán cho nhiều người, là có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. “Lẽ ra trong quá trình thụ lý xét xử vụ án, HĐXX kiến nghị công an khởi tố làm rõ. Tuy nhiên, bản án sơ và phúc thẩm đã bỏ qua vấn đề này”, LS Trâm nói.

Nhận định của bản án về việc giao dịch giữa bà Loan và bà Hồng là giao dịch vay tiền chứ không phải giao dịch chuyển nhượng đất, LS Trâm cho rằng cũng cần phải được đánh giá lại thấu đáo. “Để hoàn tất một giao dịch mua bán đất, giữa hai bên bà Loan, bà Hồng có rất nhiều văn bản, từ hợp đồng ủy quyền, hợp đồng thỏa thuận, biên bản bàn giao đất, hợp đồng chuyển nhượng… Và tất cả các văn bản này phải được xem xét, chứ không thể vì một văn bản có chữ ký không phải chữ ký bà Hồng, mà tuyên các văn bản khác cũng vậy; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên”, LS Trâm nói.

LS Trâm hướng dẫn bà Loan có thể làm đơn đề nghị Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM kháng nghị bản án nêu trên; để xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm.

Được biết, hiện hai thửa đất đã được chuyển qua cơ quan THA tiến hành định giá, đấu giá để trả tiền cho bà Nhâm theo bản án phúc thẩm hồi năm 2012 của TAND TP HCM.

Đầu tháng 7/2024, Chi cục THADS Bến Lức thông báo có người đăng ký tham gia đấu giá thửa đất số 140 (được định giá gần 8,5 tỷ đồng), sau đó thửa này bán đấu giá thành giá gần 8,8 tỷ đồng. Với thửa 101, được định giá hơn 9,5 tỷ đồng, hiện chưa có người tham gia đấu giá.

Được biết, bà Loan đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng, đề nghị tạm dừng việc đấu giá, sang tên các tài sản nói trên; vì bà Loan cho rằng đây là những tài sản liên quan đến vụ án mà bà là người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan và quyền và lợi ích hợp pháp của bà đang bị ảnh hưởng.

Đọc thêm