Vietinbank liên quan gì đến Huyền Như?
Là Quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Ngân hàng Công thương, Huyền Như đã chiếm đoạt gần 5.000 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân, trong đó có 718 tỷ của Ngân hàng ACB.
Hơn 4.400 tỷ đồng trong số này bị Huyền Như rút ra từ Ngân hàng Công thương bằng các thủ đoạn dùng chứng từ giả, ký chữ ký giả, sử dụng dấu giả để chuyển tiền, rút tiền trên tài khoản của khách hàng tại ngân hàng này, thế chấp vay tiền.
Trong 718 tỷ tiền gửi của Ngân hàng ACB, hơn 533 tỷ đã bị Huyền Như cùng nhiều cá nhân giả chữ ký của các nhân viên Ngân hàng ACB thế chấp, lập hồ sơ giả vay tiền Vietinbank. Theo các luật sư, Huyền Như chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Công thương, Ngân hàng này trích tiền trái phép của Ngân hàng ACB để khắc phục hậu quả của mình. Huyền Như không hề chiếm đoạt tiền của Ngân hàng ACB.
Các cá nhân cho vay tại Ngân hàng Công thương bị kết luận phạm tội vi phạm quy định về cho vay, nhưng hậu quả của hành vi này lại do Ngân hàng ACB chịu. Khi xử Huyền Như, Tòa TP.HCM căn cứ hợp đồng thế chấp giả, không được thừa nhận để kết luận các cá nhân tại Ngân hàng Công thương phạm tội vi phạm quy định cho vay, nhưng khi xác định trách nhiệm của Ngân hàng Công thương, Tòa lại thừa nhận hợp đồng giả này, thừa nhận việc thu nợ của ngân hàng này.
Các luật sư cho rằng, tiền của khách hàng đã chuyển vào Ngân hàng Công thương, và chính ngân hàng này quản lý sơ hở, các cán bộ của ngân hàng này vi phạm quy định về cho vay, thiếu trách nhiệm, không kiểm soát các chứng từ mở tài khoản, chuyển tiền, rút tiền đúng quy định, để Huyền Như dùng chứng từ giả vay tiền, rút tiền của Ngân hàng Công thương.
Bản Thông báo số dư tài khoản khách hàng do chính Ngân hàng Công thương chi nhánh TP Hồ Chí Minh gửi khách hàng Phạm Công Hoàng. |
Một bằng chứng chứng minh số tiền mà 19 nhân viên ACB đem gửi đã vào tài khoản của Ngân hàng Công thương đó là bản Thông báo số dư tài khoản khách hàng do chính Ngân hàng Công thương chi nhánh TP Hồ Chí Minh gửi khách hàng Phạm Công Hoàng (nhân viên nhận ủy thác của ACB để gửi tiền vào Ngân hàng Công thương) có nội dung: “Chúng tôi xin thông báo số dư tài khoản của quý vị đến hết ngày 31-12-2013 là 950.170.840 (Chín trăm năm mươi triệu, một trăm bảy mươi nghìn, tám trăm bốn mươi đồng chẵn”.
Lỗi tại khách hàng gửi tiền?
Trong phiên xử bầu Kiên, khi trả lời thẩm vấn tại Tòa về nguyên nhân Huyền Như lấy được tiền, Ngân hàng Công thương cho rằng nguyên nhân Huyền Như lấy được tiền là do khách hàng gửi tiền không quản lý tài khoản của mình, để Huyền Như muốn làm gì thì làm. Huyền Như có ý định chiếm đoạt tiền của Ngân hàng ACB từ trước nên Huyền Như phải chịu trách nhiệm với Ngân hàng ACB.
Các luật sư cho rằng, tiền của khách hàng đã chuyển vào Ngân hàng Công thương, và chính ngân hàng này quản lý sơ hở, các cán bộ của ngân hàng này vi phạm quy định về cho vay, thiếu trách nhiệm, không kiểm soát các chứng từ mở tài khoản, chuyển tiền, rút tiền đúng quy định, để Huyền Như dùng chứng từ giả vay tiền, rút tiền của Ngân hàng Công thương.
Trước rất nhiều các câu hỏi của luật sư về trách nhiệm của mình, về việc quản lý tiền gửi của khách hàng, đại diện Ngân hàng Công thương đều không trả lời mà khẳng định việc quản lý tài khoản là trách nhiệm của khách hàng.
Luật sư Hoàng Đôn Hùng (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Việc Ngân hàng Công thương chối bỏ trách nhiệm với các khách hàng trong khi tiền cả họ đã vào tài khoản của Ngân hàng Công thương chẳng khác nào việc chủ xe máy mang xe đến gửi tại bãi xe, chủ bãi xe không cẩn thận để nhân viên của mình lấy mất xe của khách, rồi sau đó chủ bãi xe bảo chủ xe: Ông đi tìm nhân viên trông xe của tôi mà đòi. Điều này có chấp nhận được không? Rõ ràng là phi lý, không chấp nhận được.
Nguyên nhân mất tiền?
Trong bản kiến nghị đề nghị Quốc Hội giám sát về vụ án bầu Kiên và Huyền Như, các luật sư nêu nguyên nhân để Huyền Như chiếm đoạt được tiền là lỗi của Ngân hàng Công thương trong việc quản lý tiền của chính mình. Với thủ đoạn như của Huyền Như, với cách thức quản lý như của Ngân hàng Công thương, Huyền Như có thể chiếm đoạt tiền của bất cứ ai gửi tiền tại Ngân hàng Công thương, dù cho lãi suất thế nào, ký hợp đồng ở đâu, nguồn gốc ra sao … Các sai phạm của Ngân hàng Công thương là nguyên nhân trực tiếp giúp Huyền Như chiếm đoạt tiền.
Đơn vị có lỗi thì không chịu trách nhiệm, nhiều cá nhân có lỗi tại Ngân hàng Công thương không bị xử lý. Các cá nhân quyết định việc gửi tiền vào Ngân hàng Công thương (ông Nguyễn Đức Kiên và nguyên Thường trực HĐQT Ngân hàng Á Châu) thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả mất tiền.
Ngân hàng Nhà nước không trả lời
Trong vụ án bầu Kiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn trả lời việc Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền khi chưa có hướng dẫn là vi phạm quy định của Luật các TCTD.
Khi được hỏi về các quy định của ngành Ngân hàng trong việc ủy thác gửi tiền quản lý tài khoản… thì đại diện Ngân hàng Nhà nước đều trả lời không nhớ, không có thẩm quyền, sẽ trả lời sau.
Trong vụ án Huyền Như, trong suốt một thời gian dài, và ngay cả khi vụ án đã xảy ra, cho đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa có biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý gì với Ngân hàng Công thương. Tại phiên tòa sơ thẩm xử vụ án Huyền Như, đại diện Ngân hàng Công thương và luật sư của Ngân hàng này nêu các đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước thanh tra Ngân hàng Công thương (tại nơi xảy ra vụ án), trong và sau khi xảy ra vụ án cũng không phát hiện ra sai phạm gì, kết luận đơn vị này hoạt động đúng pháp luật.
Khi đề nghị Quốc Hội giám sát hai vụ án bầu Kiên và Huyền Như, các luật sư nêu vụ bầu Kiên được xác định là án tham nhũng là không đúng bản chất, đồng thời đề nghị Quốc Hội xem xét để đảm bảo việc xét xử vụ án được nghiêm minh, xác định được khắc phục được các nguyên nhân và điều kiện tham nhũng đúng địa chỉ.
Để khách quan rộng đường dư luận, độc giả có thể đọc toàn văn 18 trang kiến nghị của các luật sư đến độc giả qua các file ảnh tại đây..