Vụ án "Lò đốt gạch" : “Bắt giam bị can vì lý do chối tội ”?

Liên quan đến vụ án “Lò đốt gạch” tại Bắc Ninh (PLVN  đã đăng tải trên số báo ngày 18/8/2010), PV báo PLVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Long- Phó Viện trưởng VKSND Tỉnh Bắc Binh…

Liên quan đến vụ án “Lò đốt gạch” tại Bắc Ninh (PLVN  đã đăng tải trên số báo ngày 18/8/2010), PV báo PLVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Long- Phó Viện trưởng VKSND Tỉnh Bắc Binh…

Tố tụng “xét hỏi” nên phải bắt giam!   

PV: Bị can Thụ có nhân thân tốt, chấp hành lệnh triệu tập của CQĐT. Theo ông có cần tiến hành bắt tạm giam đối với bị can Thụ, nhất là khi bị can này vừa xuất viện?

- Đúng là bị can Thụ có nhân thân tốt và không có dấu hiệu bỏ trốn nhưng tại CQĐT, bị can này không thừa nhận hành vi phạm tội mặc dù chứng cứ đã rõ. Thực ra, hiện nay chúng ta vẫn theo tố tụng “xét hỏi” nên CQĐT thấy rằng, việc chối tội này sẽ cản trở công tác điều tra, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra vụ án nên cần thiết phải bắt tạm giam bị can.

PV: Kể cả khi đã bị bắt thì bị can Thụ vẫn không thừa nhận hành vi phạm tội. Vậy, hiện nay VKSND dựa vào chứng cứ nào để ra bản Cáo trạng?

- Năm 2008, với cương vị là Chủ tịch UBND huyện, bị can Thụ đã tổ chức nhiều cuộc họp và giao nhiệm vụ cho các Phòng, Ban đi thu tiền của các chủ lò và thông báo thời gian đun đốt gạch cho họ. Hành vi này, chúng tôi truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Còn năm 2009, với cương vị là Bí thư huyện uỷ, bị can Thụ đã lấn quyền của Chủ tịch UBND để tổ chức họp và giao nhiệm vụ giống như năm 2008. Hành vi này, chúng tôi truy tố tội “Lạm quyền khi thi hành công vụ”. Bị can Thụ đã chỉ đạo cho dân đốt gạch vào thời điểm cấm đốt gạch theo quyết định số 97/2006/ QĐ- UB của UBND tỉnh Bắc Ninh.

“Cận ngày”, sao tỉnh vẫn xuống kịp?

PV: Quyết định 97 nêu trên cấm dân đốt gạch từ 1/3 đến 1/10. Nội dung này liệu đã hợp lý vì có ý kiến rằng, cấm phải có lộ trình hoặc có  phương án để đỡ thiệt hại cho các chủ lò và thời điểm cấm chưa thật sự hợp lý?

- Quyết định 97 nêu trên được UBND tỉnh ban hành đúng trình tự, thẩm quyền, trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh và thực tế tình hình. Bị can Thụ phải tuân thủ tuyệt đối Quyết định này. Nếu thấy nội dung chưa phù hợp thì phải kiến nghị sửa đổi chứ không được vi phạm.

PV: Theo chúng tôi được biết thì UBND huyện đã  có kiến nghị bằng công văn ngày 15/6/2009 đề nghị cho dân đốt gạch vào ngày 18/6/2009 xuất phát từ tình hình thực tế lúc đó?

- Đúng là UBND huyện có công văn này và chính ông Thụ (bí thư Huyện uỷ) là người duyệt nội dung nhưng công văn đó gửi quá cận ngày nên tỉnh không thể xử lý và cho ý kiến kịp. Mặc dù xin đốt ngày 18 nhưng ngày 16 thì một số chủ lò đã nổi lửa do gạch đã được vào phơi hết. Huyện đặt tỉnh vào “sự đã rồi”

PV: Sáng 16/8/2009, cán bộ tỉnh về huyện Gia Bình để kiểm tra việc đun đốt, gạch. Điều này chứng tỏ UBND tỉnh vẫn xử lý kịp vì hai ngày sau mới đúng ngày mà UBND huyện xin đốt gạch?

- Do thấy xuất hiện khói lò nên sáng 16/8/2009, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã dẫn đầu đoàn công tác về kiểm tra, yêu cầu huyện, xã có biện pháp tích cực ngăn chặn việc đốt gạch nhưng việc ngăn chặn không đạt kết quả. Đã có hàng trăm lò đồng loạt nổi lửa vào ngày 17/8.

PV: Chủ tịch UBND huyện là người chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý đun đốt gạch. Vậy tại sao Bí thư huyện uỷ và các cán bộ thuộc phòng ban chuyên môn thì bị truy tố, còn Chủ tịch UBND huyện thì vô can?

- Trong các cuộc họp giao ban hỗn hợp đều có sự tham gia của ông Nguyễn Bá Năng- Phó Bí thư huyện uỷ và ông Nguyễn Văn Hải- Chủ tịch UBND huyện. Chúng tôi xác định có dấu hiệu đồng phạm nhưng anh Năng, anh Hải đã khai báo thành khẩn, tích cực xử lý hậu quả nên không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Động cơ cá nhân thì nhiều loại lắm”

PV: Theo ông thi hành vi của bị can Thụ có yếu tố vụ lợi và gây thiệt hại ra sao?

- Tuy không có chứng cứ để khẳng định bị can Thụ tư lợi, tư túi nhưng chúng tôi khẳng định hành vi của bị can này vừa có động cơ vụ lợi, vừa có động cơ cá nhân. Động cơ cá nhân thì nhiều loại lắm…

Về thiệt hại, loại tội phạm về tham nhũng chưa có hướng dẫn mức độ  thiệt hại nghiêm trọng. Nhưng chúng tôi thấy hành vi của các bị can đã gây thiệt hại nghiêm trọng cả về tinh thần và vật chất. Về tinh thần là làm giảm uy tín của chính quyền nhân dân, gây khiếu kiện và gây tổn thất cán bộ…

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

H.Tuấn - T. Ngọc

Đọc thêm