Vụ án mới, thủ đoạn cũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vụ án cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận là mới nhưng thủ đoạn thì vẫn cũ, cũng tương tự những vụ án do các cựu lãnh đạo một số địa phương như TP HCM, Bình Dương… gây ra.
Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2
Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2

Dư luận không quá bất ngờ khi ngày 10/2 vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và VKSNDTC tống đạt quyết định khởi tố với Nguyễn Ngọc Hai (60 tuổi, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), Lương Văn Hải (cấp phó của Hai), Hồ Lâm, Lê Nguyễn Thanh Danh (lần lượt là cựu Giám đốc và Phó Giám đốc Sở TN&MT), Ngô Hiếu Toàn (Phó Giám đốc Sở Tài chính); để điều tra về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Theo Cơ quan điều tra (CQĐT), các đối tượng này đã sai phạm khi giao trái quy định khu đất hơn 92.000m2 hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thông) phường Phú Hài, TP Phan Thiết, cho Cty CP Tân Việt Phát để thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2.

Năm năm trước đây, đầu 2017, Tân Việt Phát đã xin chủ trương cho phép được giao khu đất này không thông qua hình thức đấu giá và đã được UBND Bình Thuận chấp thuận. Lâm, Danh, Toàn đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh phê duyệt chủ trương và thực hiện các thủ tục giao đất cho Việt Tân Phát. Hải và Hai đã ký duyệt chủ trương và các thủ tục khác. Việc giao, cho thuê đất lại được áp dụng theo giá của… bốn năm trước đó, 2013, thay vì 2017. Một phần khu đất được cho thuê dưới hình thức trả tiền một lần, dùng vào mục đích thương mại dịch vụ; một phần có thu tiền sử dụng đất, dùng vào mục đích đất ở kết hợp thương mại dịch vụ.

Phải đến khi có tố cáo, mãi tới cuối 2020, Bình Thuận bất ngờ tổ chức họp báo, giải thích về việc không đấu giá khu đất này theo hướng khu đất từng “nằm trong khu nghĩa địa tập trung, còn nhiều hố sâu, tường, bia mộ... mất mỹ quan và thiện cảm”. Thực tế thì khu đất có vị trí rất đắc địa, sau khi được Bình Thuận giao trái quy định, chủ đầu tư đã phân lô, bán nền cho nhiều người dân với giá cao. CQĐT xác định việc áp dụng sai giá đã gây thiệt hại cho Nhà nước ít nhất 70 tỷ đồng.

Vụ án như vậy là mới nhưng thủ đoạn thì vẫn cũ, cũng tương tự những vụ án do các cựu lãnh đạo một số địa phương như TP HCM, Bình Dương… gây ra. Vấn đề đặt ra là có còn những vụ án như vậy chưa bị phát giác hay không và vì sao lại có tệ nạn nguy hiểm này?

Vấn đề thứ nhất, nên nhớ, sự việc Bình Thuận giao đất cho Tân Việt Phát không đúng quy định, dư luận chỉ biết đến khi CQĐT nhận được đơn tố cáo. Tài liệu, hồ sơ về giao đất, ở nhiều địa phương được cán bộ “bảo mật” kỹ lưỡng, dễ gì ai được tiếp cận; chỉ có những “người trong cuộc” với nhau mới có thể tiếp cận, nắm rõ. Thế nên có thể thấy với những vụ tương tự, chỉ cơ quan trung ương mới đủ khả năng xử lý và có thể còn nhiều các vụ như vậy tại các địa phương.

Vấn đề thứ hai, phải chăng cán bộ thẩm quyền “thiếu hiểu biết” nên mới giao đất sai? Khó có thể nói như vậy, như với vụ ở Bình Thuận, bị can Hai đã từng có 7 năm làm Chủ tịch tỉnh đến khi có hành vi vi phạm. Phải chăng vì tâm lý “tự tin” quá vào “quyền lực” và “ê kíp” ở địa phương nên mới bất chấp như vậy? “Bắt được bệnh” của những cán bộ sai phạm, để thấy rằng cần phát huy hơn nữa giá trị của những nguồn tin tố cáo ngay trong đội ngũ cán bộ và nhân dân, phát huy hơn nữa vai trò giám sát của cấp trên, cơ quan chức năng, báo chí, tổ chức xã hội.

Đọc thêm