Luật sư đặt dấu hỏi về tư cách tố tụng của KSV
Theo hồ sơ vụ án, ngày 14/10/2022, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Khánh Hòa có Quyết định (QĐ) số 322/QĐ-VKS biệt phái ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự (Phòng I) “đến thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm đối với vụ án Võ Xuân Dũng và đồng phạm bị Viện KSND huyện Khánh Vĩnh truy tố về tội “mua bán hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN”.
Trong quyết định hành chính tố tụng này, không thấy Viện trưởng Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đề cập cụ thể nơi ông Hùng được biệt phái đến là Viện KSND huyện nào, đảm nhận chức vụ gì hay chịu sự phân công nhiệm vụ từ ai. Tại QĐ số 322/QĐ-VKS đáng nói, có ghi cụ thể thời hạn biệt phái của ông Hùng được tính từ “ngày 25/10/2022 đến khi TAND huyện Khánh Vĩnh kết thúc việc xét xử vụ án”.
Do vụ án mua bán hóa đơn liên quan đến bị cáo Võ Xuân Dũng và đồng phạm đang được TAND huyện Khánh Vĩnh xét xử sơ thẩm nên theo quy định của Bộ Luật TTHS, nếu có việc biệt phái kiểm sát viên (KSV) từ cấp tỉnh xuống cấp huyện để phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án thì việc phân công thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện KSND cấp huyện và phải căn cứ vào nội dung, thời hạn của QĐ biệt phái của Viện KSND cấp tỉnh đã ban hành.
|
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Văn Đà, Công ty Luật Nguyễn Chiến (Đoàn luật sư Hà Nội), có căn cứ cho thấy QĐ số 02 ngày 21/10/2022 của Viện trưởng Viện KSND huyện Khánh Vĩnh phân công KSV Hùng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án đã thực hiện theo quy trình ngược. Tức thời gian biệt phái làm nhiệm vụ của ông Hùng tại phiên tòa bắt đầu từ ngày 25/10/2022 nhưng trước đó 4 ngày, ngày 21/10/2022, Viện KSND huyện Khánh Vĩnh đã ra QĐ phân công cho ông Hùng. “Lúc này ông Hùng chưa được thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại QĐ 322, ông vẫn là KSV cấp tỉnh, vẫn đang là trưởng phòng 1 của Viện KSND tỉnh Khánh Hòa. QĐ 02 phân công ông Hùng là trái quy định của pháp luật tố tụng, không có giá trị pháp lý để ông thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử ở vụ án này”- Luật sư Đà nêu quan điểm.
Về vấn đề này, KSV Nguyễn Xuân Hùng mặc dù xác nhận có sự nhầm lẫn về mặt thời gian nhưng cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Khánh Vĩnh không vi phạm tố tụng. Theo ông, QĐ biệt phái đối với ông tính từ ngày 25/10 là căn cứ vào QĐ ngày mở phiên tòa của Tòa án; ông không thực hành quyền công tố trước ngày tòa án huyện đã quyết định.
Tranh cãi pháp lý về gần 61.000 bút lục tài liệu
Như Báo PLVN đã thông tin, trong quá trình điều tra bổ sung, đã có 60.974 bút lục tài liệu được cho là có lợi cho Cty Phúc Minh đã bị bỏ ra ngoài hồ sơ vụ án vì Viện KSND huyện Khánh Vĩnh cho rằng số bút lục, tài liệu này không làm thay đổi bản chất của vụ án nên không đưa vào hồ sơ vụ án.
Theo các luật sư, các tài liệu bỏ ngoài hồ sơ vụ án gồm: Các biên bản xác nhận khối lượng giao nhận cát; các phiếu xuất kho (cát) của Công ty TNHH khai thác khoáng sản Phúc Minh (Phúc Minh) cho Công ty TNHH thương mại và đầu tư Thắng Phát (Thắng Phát) theo từng thời gian; số liệu giao nhận cát phù hợp các phiếu xuất kho, phù hợp với số liệu 210.000 m3 cát trong 42 tờ hóa đơn VAT Phúc Minh xuất cho Thắng Phát.
|
Cũng theo các luật sư, các tài liệu còn thể hiện Phúc Minh kê khai thuế và nộp thuế, phí tại chi Chi cục thuế huyện Khánh Vĩnh theo từng thời gian quy định của luật thuế trong đó cho thấy Phúc Minh đã nạo vét được 369.000m3 cát và đã kê khai, nộp thuế Tài nguyên, phí Bảo vệ môi trường đúng với số lượng cát đã nạo vét lên là 369.000m3, đúng với nội dung hợp đồng mua bán cát giữa Phúc Minh với Thắng Phát và các công ty mua cát khác; ngoài ra còn có các tài liệu về việc đối chiếu công nợ giữa Thắng Phát với Phúc Minh trong việc mua bán và thanh quyết toán theo nội dung hợp đồng kinh tế giữa 2 công ty.
Tại phiên tòa, phía đại diện Viện KSND huyện Khánh Vĩnh vẫn bảo lưu quan điểm khi cho rằng, phiếu xuất kho mua hàng, bán hàng của Phúc Minh cho Thắng Phát không có giá trị chứng minh trong vụ án này. Do đó những tài liệu đó không được cho là vật chứng vụ án nên không đưa vào hồ sơ vụ án.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, các tài liệu này chính là mấu chốt của vụ án để xác định có việc mua bán cát hay không. Đây là chứng cứ có mối liên quan trực tiếp cần được đánh giá và đưa vào hồ sơ vụ án.
Liên quan đến quan điểm của KSV cho rằng các phiếu xuất kho của Cty Phúc Minh không có giá trị pháp lý. Theo các Luật sư, cần phải áp dụng ngành Luật kế toán để đánh giá thì mới khách quan, toàn diện. Thực tế, Thắng Phát đã phát ra tích kê giao cho lái xe 1 liên và lái xe giao cho ngọc Vũ 1 liên. Hết tháng bên ông Ngọc Vũ chuyển phiếu tích kê đó về cho Phúc Minh, còn lái xe chuyển về cho kế toán Thắng Phát, để 2 bên xác nhận khối lượng mua bán. Từ bản xác nhận khối lượng mới ra phiếu giao nhận hàng, tiếp đó mới đến thủ tục xuất kho.
“Rõ ràng 3 tài liệu này đi kèm với nhau theo Luật kế toán và là chứng cứ vật chất chứng minh hoạt động giao nhận cát, là phương thức thanh quyết toán giữa 2 công ty mà tại sao KSV lại cho rằng không có giá trị chứng mình để đưa ra ngoài hồ sơ.”- Luật sư Chiến bày tỏ quan điểm.
Trước đó, tại Biên bản khám xét ngày 15/8/2017 đối với Thắng Phát, CQĐT Công an tỉnh Khánh Hòa tiến hành thu giữ một số tài liệu, đồ vật đã được niêm phong trong 20 thùng giấy. Tuy nhiên đối chiếu với các biên bản mở niêm phong có trong hồ sơ vụ án thì chỉ có 16/20 thùng tài liệu đã thu giữ trong quá trình khám xét được mở niêm phong. Theo Bản KLĐT bổ sung số 06 ngày 5/9/2022 của CQĐT Công an huyện Khánh Vĩnh, điều tra viên đã kiểm tra 10 thùng tài liệu CQĐT Công an tỉnh Khánh Hòa bàn giao, tổng cộng kiểm đếm được 144.549 phiếu giao và nhận hàng của Thắng Phát. Tuy nhiên, tại các biên bản mở niêm phong của CQĐT công an tỉnh Khánh Hòa thì tổng số phiếu đã kiểm đếm là 83.575 phiếu giao và nhận hàng của Thắng Phát. Như vậy, số phiếu giao nhận hàng của Thắng Phát dôi dư so với biên bản mở niêm phong của CQĐT Công an tỉnh Khánh Hòa là 60.974 phiếu.