Bị cáo cũng có đơn tố cáo
Trước đó, trong hai ngày 28 - 29/5/2024, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở lại phiên sơ thẩm xử bị cáo Trịnh Thu Trang (SN 1991, ngụ phường Hoàng Văn Thụ) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong vụ án, còn có bị cáo Nguyễn Thủy Anh (SN 1987, ngụ phường Hoàng Văn Thụ), Lương Thị Thu Thảo (SN 1995, ngụ phường Ngô Quyền, cùng TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) bị xử về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Giang, bị cáo Trang buôn bán túi xách, đồng hồ đắt tiền của nhiều thương hiệu như Hermes, Chanel, Dior, LV, Rolex... trên mạng xã hội. Bị cáo đã dùng thủ đoạn mua đắt, bán rẻ để thu hút khách bán hàng và khách đặt cọc tiền mua hàng nhằm chiếm đoạt hàng (túi xách, đồng hồ, dép) và tiền đặt cọc mua hàng của khách. Trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 9/2022, bị cáo Trang đã chiếm đoạt tiền và tài sản của 8 bị hại với tổng giá trị hơn 53 tỷ đồng.
Trong phiên xử hồi tháng 3/2024, HĐXX TAND tỉnh Bắc Giang đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung 8 vấn đề. Sau đó, VKSND tỉnh đã thực hiện điều tra bổ sung và có văn bản gửi TAND tỉnh đề nghị đưa vụ án ra xét xử.
Tại phiên xử, bị cáo Trang đã có đơn tố cáo 4 người gửi HĐXX. Cụ thể, Trang tố cáo một phụ nữ ngụ phường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) là “chủ mưu thao túng, dẫn dắt bị cáo tạo ra hậu quả như cáo trạng đã nêu”. “Bị cáo và bà này làm ăn chung, mọi việc làm bị cáo đều trao đổi, bàn bạc với bà này, sổ sách ghi chép chung, phần mềm máy điện thoại liên thông, mọi việc bị cáo làm bà này đều biết. Kể cả một số hành vi cho rằng bị cáo lừa đảo thì bà này đều biết và chính bà này là người hướng dẫn, phối hợp cùng làm với bị cáo”, bị cáo Trang trình bày tại phiên toà.
Bị cáo Trang cũng tố cáo một phụ nữ ngụ phường Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trang. Theo Trang, trong suốt quá trình làm ăn, bị cáo đã tin tưởng theo lời giới thiệu và đặt mua của bà này rất nhiều hàng với tổng số tiền khoảng 28 tỷ đồng. Trong tháng 7 và tháng 8/2022, bị cáo chuyển cho bà này hơn 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, khai tại cơ quan điều tra, bà này cho rằng chỉ giao dịch với Trang 15 chiếc túi, tương đương giá trị 5 tỷ đồng.
Các nội dung này, bị cáo cho rằng mình và gia đình nhiều lần đề nghị CQĐT làm rõ dấu hiệu, vai trò của hai người phụ nữ trên trong suốt quá trình điều tra nhưng chưa được thực hiện. Do đó, bị cáo cho rằng một số cán bộ tiến hành tố tụng “có dấu hiệu tiêu cực, không công tâm, không khách quan trong điều tra; có dấu hiệu cố ý bỏ lọt tội phạm”.
Bị cáo Trang cho rằng có dấu hiệu một cán bộ tiến hành tố tụng đã làm lộ, lọt thông tin điều tra cho một người phụ nữ ngụ phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội); làm sai lệch số liệu công nợ.
Bị cáo Trang cho rằng tại kết luận điều tra và cáo trạng, số liệu công nợ sai lệch, không chính xác, không xác minh được dòng tiền đến và đi như thế nào; nên cần tổ chức đối chất, đối soát giữa các bên, để làm sáng tỏ bản chất của các giao dịch.
Luật sư đề nghị thay đổi kiểm sát viên
Trước những trình bày trên của bị cáo, kiểm sát viên đề nghị HĐXX yêu cầu bị cáo đưa ra chứng cứ. Còn luật sư (LS) của bị cáo đề nghị HĐXX xác định đơn tố cáo của bị cáo là tình tiết mới của vụ án và đề nghị thay đổi kiểm sát viên.
LS cũng đề nghị TAND tỉnh Bắc Giang triệu tập những người liên quan, bởi có 8 người bị hại mà chỉ có 2 người có mặt tại tòa. “Vụ án lừa đảo số tiền lớn mà thiếu nhiều nhân chứng, người có nghĩa vụ liên quan, là điều bất thường. Tôi đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, triệu tập nhân chứng và người có nghĩa vụ liên quan”, LS đưa ra quan điểm.
Bị cáo Trang đề nghị trích xuất toàn bộ tin nhắn trong điện thoại của mình. (Ảnh: Hồng Thương) |
Cũng tại phiên toà, LS Trần Văn An (bào chữa cho bị cáo Trang) cho rằng Trang không có mục đích chiếm đoạt tiền và hàng của đối tác và trên thực tế không chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Theo LS, Trang không chiếm đoạt tiền, hàng để chi tiêu cá nhân mà đã được Trang chuyển cho đối tác mua bán cùng; Trang đã bỏ tiền vốn và thế chấp nhà lấy tiền phục vụ hoạt động kinh doanh và trả cho khách hàng.
“Toàn bộ nguồn tiền đều được Trang chi trả cho chính những khách hàng này và thực hiện trong chính thời gian Trang bị cáo buộc lừa đảo. Theo tính toán của tôi, sao kê đối chiếu tổng nhận, chuyển (với cả những đối tác khác và 8 người bị hại) thì hiện Trang chỉ “âm” khoảng 15 tỷ đồng. Hồ sơ thể hiện Trang khai báo rõ là không có mục đích chiếm đoạt tiền của mọi người”, LS An nêu quan điểm.
LS An cũng cho rằng chưa xác định được việc Trang lừa đảo tiền, hay tài sản. Nếu xác định Trang lừa đảo hàng hóa (túi xách, đồng hồ…) thì cần phải tiến hành các hoạt động tố tụng với tang vật của vụ án hình sự là tài sản như phải thực hiện hoạt động nghiệp vụ để thu giữ, định giá tang vật; từ đó xác định thiệt hại của hành vi lừa đảo.
Tại phiên tòa, bị cáo Trang cho rằng, người phụ nữ ngụ phường Ngọc Lâm mới là người điều hành nhóm bán hàng trên, vai trò của người này là lớn nhất và chi phối hành động của người khác.
Bị cáo cho rằng “cần làm rõ việc có hàng hay không, nếu có hàng thì giao dịch của bị cáo với các bị hại là dân sự, còn nếu không có hàng thì thể hiện các bị hại đã lừa dối bị cáo. Tất cả các giao dịch của bị cáo đều có tin nhắn thể hiện rất rõ, chỉ cần sao kê những tin nhắn trong điện thoại thì có thể chứng minh nội dung bị cáo có lừa đảo hay không”, bị cáo Trang nói.
Chiều 29/5, sau khi các bên tranh luận, đại diện VKSND tỉnh giữ quyền công tố tại phiên toà đã đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên toà để trích xuất toàn bộ tin nhắn trong điện thoại của bị cáo Trang để bảo đảm khách quan của vụ án. Sau khi nghị án, HĐXX quyết định tạm hoãn phiên toà, dự kiến sẽ mở lại vào 7h30 ngày 19/6/2024.