Phiên tòa phúc thẩm mới đây nhất vào ngày 13/12 đã bị hoãn do Kiểm sát viên cho rằng không thể đưa ra quan điểm giải quyết vụ án do phiên tòa vắng mặt bị cáo Lẫm, trong khi bị cáo này lại đang kêu oan.
Đường "Nhuệ" bị tố cáo nhưng được coi là “nhân chứng” vụ án
Trong vụ án này, Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”) và con nuôi Bùi Mạnh Tiến tham gia với tư cách “người làm chứng” do được cho là đã xâm nhập, chiếm giữ trái phép, ăn ngủ sinh hoạt tại trụ sở Cty TNHH Lâm Quyết (xã Vũ Chính, TP Thái Bình) mà không được sự đồng ý của bị cáo Lẫm (Giám đốc).
Tháng 10/2021, Đường và Tiến đã bị TAND TP Thái Bình tuyên phạt mỗi người 1 năm tù về tội "Xâm phạm chỗ ở của công dân". Trong khi đó, vợ chồng bị cáo Lẫm - Quyết thì tố rằng, Đường “Nhuệ” đã cho đàn em đến chiếm giữ Cty TNHH Lâm Quyết rồi hủy hoại tài sản, chiếm đoạt sổ sách, chứng từ của Cty, trong đó có các giấy tờ thể hiện đã trả hết nợ cho bị hại.
Tại phiên tòa sơ thẩm cách đây 1 năm, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Thái Bình cho rằng, ngày 23/1/2013, vợ chồng bị cáo Lẫm - Quyết thế chấp xe ô tô Toyota Camry (đứng tên Cty TNHH Lâm Quyết) để vay của vợ chồng ông Đỗ Văn Tới (xã Vũ Phúc, TP Thái Bình) 400 triệu đồng.
Ngày 20/1/2016, hai bị cáo tiếp tục thế chấp xe ô tô trên để vay 500 triệu đồng với cam kết không thế chấp, không bán, tặng, cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nếu không được sự thỏa thuận của ông Tới trong thời gian vay số tiền trên. Nhưng khi chưa trả hết nợ, các bị cáo đã bán xe ô tô và giao đăng ký xe cho ông Phạm Công Tự để trừ nợ.
HĐXX sơ thẩm coi việc Lẫm - Quyết bán xe ô tô và nại ra việc bị Đường “Nhuệ” lấy mất giấy tờ trả nợ… nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ và chiếm đoạt số tiền 900 triệu đồng của vợ chồng ông Tới; nên đã tuyên phạt hai bị cáo này về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Lẫm 14 tù, Quyết 13 năm tù).
Nhận định và phán quyết trên không khác gì so với bản án sơ thẩm lần 1, do chính TAND tỉnh Thái Bình xét xử vào tháng 6/2019.
Đáng nói, khi xét xử phúc thẩm (lần 1) vào tháng 5/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã từng hủy bản án sơ thẩm nêu trên, trả hồ sơ yêu cầu điều tra để làm rõ một số nội dung như: Cần xác định Đường “Nhuệ” và Bùi Mạnh Tiến là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án (chứ không phải là người làm chứng); làm rõ mâu thuẫn trong các lời khai về việc vợ chồng bị cáo Lẫm, Quyết đã trả tiền cho ông Tới; làm rõ việc vợ chồng bị cáo có bỏ trốn hay không vì đây là một dấu hiệu để quy kết các bị cáo về tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản”; làm rõ việc thế chấp xe ô tô giữa vợ chồng bị cáo và ông Tới có hợp pháp hay không.
Tòa Cấp cao cũng yêu cầu làm rõ việc của vợ chồng bị cáo Lẫm - Quyết tố cáo Đường “Nhuệ” xâm phạm nơi ở, nơi làm việc của Cty Lâm Quyết; có hành vi cho vay nặng lãi hay không. Tòa Cấp cao cho rằng việc coi chiếc xe ô tô là vật chứng vụ án và tuyên xử lý giao xe cho cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Thái Bình xử lý là không phù hợp…
Bị hại đã được trả tiền để “đáo hạn” ngân hàng?
Trong khi đó, trong suốt quá trình khởi tố điều tra đến nay, vợ chồng bị cáo Lẫm - Quyết liên tục cho rằng đã trả 2 khoản nợ vay ngày 23/1/2013 và 20/1/2016 (tổng cộng 900 triệu đồng) cho ông Tới.
Thống nhất với ý kiến trên, mới đây, nhiều luật sư (LS) bào chữa cho vợ chồng bị cáo Lẫm, Quyết đều đã có văn bản kiến nghị tới HĐXX phúc thẩm nêu rõ chứng cứ chứng minh nội dung kêu oan của bị cáo.
LS Nguyễn Anh Tuấn (Cty Luật TNHH Trường Lộc, Hà Nội) cho biết, tài liệu trong vụ án đã chứng minh số tiền 500 triệu đồng bị cáo vay ngày 20/1/2016 là tiền do ông Tới vay của Ngân hàng Vietinbank, Chi nhánh Thái Bình ngày 19/1/2016 rồi cho vay lại. Và tại CQĐT cũng như tại phiên tòa trước đây, ông Tới có nhiều lời khai thừa nhận, “đến ngày 28/6/2016 Lẫm - Quyết chuyển cho tôi 500 triệu, tôi trả ngân hàng rồi làm thủ tục vay lại số tiền đó thời hạn 6 tháng. Cùng ngày tôi chuyển luôn số tiền 500 triệu cho Lẫm - Quyết vay”.
Ngoài ra, văn bản của Vietinbank cũng thể hiện, Hợp đồng tín dụng số 1/2016 ngày 19/1/2016 đã hết hiệu lực và bên vay là ông Đỗ Văn Tới đã thực hiện xong nghĩa vụ theo hợp đồng này.
LS Tuấn cho rằng, hợp đồng vay ông Tới 500 triệu ngày 20/1/2016 đã được vợ chồng bị cáo thanh toán đầy đủ để ông này trả nợ cho ngân hàng. CQĐT và VKSND tỉnh Thái Bình đã thừa nhận việc này tại Kết luận điều tra và Cáo trạng nhưng vẫn cáo buộc vợ chồng bị cáo chiếm đoạt 500 triệu theo giấy vay ngày 20/1/2016 là có dấu hiệu oan sai.
Về nội dung cáo buộc bị cáo chiếm đoạt 400 triệu đồng theo giấy vay ngày 23/1/2013, LS Tuấn cho rằng, bên vay là Cty TNHH Lâm Quyết (để sản xuất và kinh doanh đồ gỗ) chứ chủ thể vay tiền không phải là vợ chồng bị cáo Lẫm - Quyết. “Không thể “đánh đồng” pháp nhân với cá nhân để buộc vợ chồng bị cáo chịu trách nhiệm về khoản vay này”, LS nhận định.
Hơn nữa, cả hai bị cáo Lẫm – Quyết đều khai rằng đã trả cho bị hại số tiền này nhưng bị Đường “Nhuệ” chiếm giữ Cty và lấy mất giấy trả nợ. Nội dung này đã được HĐXX phúc thẩm (lần 2) yêu cầu làm rõ vì coi đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến việc xác định bị cáo có tội hay không? Tuy nhiên, khi điều tra bổ sung, CQĐT vẫn chưa làm rõ được nội dung này, mà cho rằng, việc Nguyễn Xuân Đường và Bùi Mạnh Tiến có chiếm giữ Cty, lấy đi tài sản, giấy tờ của vợ chồng Lẫm - Quyết hay không, là không liên quan, không ảnh hưởng đến bản chất vụ án "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
LS Tuấn cho rằng, quan điểm trên của CQĐT là đã không thực hiện theo yêu cầu của HĐXX phúc thẩm (lần 1), không đúng với trách nhiệm chứng minh tội phạm của cơ quan tiến hành tố tụng.
“Thời điểm này, CQĐT vẫn đang tiếp tục điều tra xác minh và xử lý tố giác của vợ chồng Lẫm - Quyết về việc Đường “Nhuệ” có hành vi chiếm đoạt tài sản, tài liệu của Cty Lâm Quyết. Như vậy, cũng không thể kết luận bị cáo Lẫm - Quyết đã “nại” ra việc bị Đường “Nhuệ” lấy mất giấy tờ nhằm chiếm đoạt tiền vay của bị hại”, LS nói.