"Cấp chui" giấy GCNSK
Trao đổi với PV, một chuyên gia y tế cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, quy trình khám, cấp GCNSK được thực hiện hết sức ngặt nghèo với các bước tuần tự: người khám đăng ký khám, cung cấp giấy tờ chứng minh nhân thân, sau đó nộp tiền khám (bao gồm khám lâm sàng và cận lâm sàng: xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh…). Bệnh viện sẽ có một cán bộ chuyên quản lý việc khám sức khỏe.
Quy trình khám cận lâm sàng, gồm: xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thử máu, nước tiểu, chụp tim phổi... Theo vị chuyên gia này, đây là những quy trình đòi hỏi mức độ chính xác và phải có kết quả thật vì liên quan đến công việc, tương lai, thậm chí tính mạng người cần có GCNSK. Trong trường hợp người bị bệnh về tim phổi, nếu không được khám sức khỏe một cách chính xác, khi đi lao động ở môi trường đòi hỏi sức khỏe về tim phổi, có thể gây tử vong. “Đây là tính nghiêm trọng của việc “nhân bản” GCNSK” - chuyên gia nhận định.
“Thông thường, trong tổng chi phí 310.000 đồng mà người đến khám phải chi trả cho BVĐK Đông Anh để được cấp GCNSK bao gồm rất nhiều các công đoạn phải thực hiện như đã nêu ở trên. Nếu bớt đi công đoạn nào thì người khám bệnh thiệt thòi chừng đó. Có nghĩa, số tiền thu "chui" mà cán bộ y tế và bệnh viện trên đã "đút túi" tương đương như vậy - vị chuyên gia y tế nói và nhận định: số tiền 310.000 đồng một GCNSK, với số lượng hàng trăm thậm chí có khi cả nghìn GCNSK được “mua bán” trong thời gian dài tại bệnh viện này thì số tiền nhân lên là con số khủng khiếp. Vậy ai là người hưởng lợi? Hậu quả của những GCNSK “nhân bản” này là vô cùng lớn.
Đơn cử, khi một người bị bệnh về phổi hay đường hô hấp đến khám lấy GCNSK để đi làm công nhân mỏ, do bỏ qua quy trình nên GCNSK vẫn được bệnh viện cấp. Đến khi đi làm, với môi trường hầm lò đòi hỏi sức khỏe về phổi, họ không chịu đựng được và có thể tử vong thì hậu quả và nỗi đau không chỉ có cá nhân người công nhân này và gia đình họ gánh chịu. Hay nhiều trường hợp bị bệnh về gan, nếu vẫn được BVĐK Đông Anh cấp GCNSK, khi đi xuất khẩu lao động bị đuổi về thì họ sẽ mất trắng hàng trăm triệu đồng cho môi giới vì vi phạm hợp đồng.
Theo tài liệu PV có được, trong rất nhiều thời điểm, mặc dù hệ thống thiết bị y tế dùng cho công việc khám sức khỏe đã hỏng, không thể hoạt động nhưng BVĐK Đông Anh vẫn thu tiền và cấp GCNSK với mức thu 310.000 đồng một lần khám. Việc này diễn ra trong thời gian dài. Theo số liệu sơ bộ của chúng tôi, số lượng người đến khám sức khỏe hàng ngày với mục đích có giấy chứng nhận đủ sức khỏe đi học, đi làm là trung bình hơn 30 bệnh nhân/ một ngày. Điều đó tương đương với số lượng GCNSK được cấp “chui” và số tiền bất chính BVĐK Đông Anh thu về.
Đơn cử như ngày 12-4-2016, máy chụp X-Quang báo hỏng từ 7h30-18h, song bệnh viện vẫn hoàn thành khám sức khỏe và được cấp GCNSK và bệnh nhân thanh toán đầy đủ. Điển hình như người khám Trần Lệ Th, SN 1988, số biên lai 0006879; Trần Thế T, SN 1996, số biên lai 0006087; Ngô Thị T, SN 1987, số biên lai 0006569…
Trong ngày 21, 22-4-2016 dù máy chụp X-Quang hỏng từ 7h30-18h người khám Ngô Văn H, SN 1975, có biên lai thu phí số 0009198; Đặng Đức T, SN 1993, số bên lai 0010403… vẫn được BVĐK Đông Anh thu tiền cấp GCNSK.
Cũng với hành vi trục lợi như vậy, ngày 9-6-2016, dù máy chụp X-Quang hỏng từ 7h30-18h nhưng bệnh nhân Nguyễn Thị Kim L, SN 1985, số biên lai 0024122; Bùi Ngọc D, SN 1995, số biên lai 0024133… vẫn được chứng nhận hoàn thành việc khám, được cấp GCNSK. Cũng như vậy, dù máy chụp X-Quang hỏng (20-4-2016 hỏng từ 11h-7h30; 29-30/4 sửa máy từ 10h30-20h30…) nhưng bệnh viện vẫn thu tiền và cấp GCNSK cho hàng chục người đến khám.
Cũng theo tìm hiểu và tài liệu PV thu thập được, còn rất nhiều ngày và trong thời gian dài hệ thống máy báo hỏng, lỗi song BVĐK Đông Anh vẫn hoàn thành khám sức khỏe và cấp GCNSK cho nhân dân. Đây chỉ là những trường hợp trong giới hạn bài viết đề cập đến. Con số GKSK được BVĐK Đông Anh “nhân bản” còn lớn hơn rất nhiều lần.
Câu hỏi đặt ra là liệu các ngày khác có như vậy không? Và số tiền BVĐK Đông Anh và các cá nhân có liên quan phụ trách việc tổ chức khám, cấp GCNSK đã chiếm đoạt của người đến khám là bao nhiêu? Câu hỏi này cần được các cơ quan chức năng của TP Hà Nội làm rõ, trả lại quyền lợi người dân đến khám. Đồng thời trả lại sự trong sạch, uy tín cho những cán bộ, y bác sỹ chân chính đang hàng ngày hàng giờ phục vụ sức khỏe người dân.
Đáng nói, vào năm 2015, cơ quan chức năng thị trấn Đông Anh cũng từng bắt giữ một đường dây “mua bán” GCNSK tại bệnh viện này. Tuy nhiên, vì lợi nhuận quá lớn nên hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng này vẫn tái diễn. Cá nhân phụ trách việc tổ chức khám, thu tiền người đến khám vẫn tái phạm.
Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Huy, Giám đốc BVĐK Đông Anh xác nhận thông tin vụ việc xảy ra vào năm 2015 và trả lời ngắn gọn “đó là những đối tượng cò”. Trước câu hỏi, vậy một mình những đối tượng “cò” có thể tự có GCNSK để “bán” ra ngoài hay không, nếu không có sự tiếp tay của một số cán bộ, y bác sỹ biến chất tại bệnh viện, ông Huy chưa trả lời cụ thể.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Luật sư Nguyễn Quang Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng hành vi “nhân bản” GCNSK cần phải chịu trách nhiệm hình sự và lãnh đạo BVĐK Đông Anh không thể vô can.
Theo luật sư Hùng, việc “bán khống” GCNSK bên cạnh vi phạm về y đức còn có dấu hiệu hình sự. Theo ông, các kết quả xét nghiệm, khám, chụp chiếu… sẽ là căn cứ để điều trị chẩn đoán tình trạng sức khỏe trong các lần khám sau này. Việc “nhân bản” cả nghìn kết quả trong những quy trình khám sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và công việc của người dân.
“Nếu bệnh nhân mắc các chứng bệnh nghiêm trọng mà không được khám vẫn được cấp GCNSK để đi học, đi làm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, cuộc sống và sức khỏe, thậm chí tính mạng của họ sau này” - Luật sư Hùng đưa ra tình huống.
Về trách nhiệm pháp lý của những người liên quan, luật sư Hùng cho rằng không chỉ các nhân viên và cán bộ y tế phụ trách việc khám, cấp GCNSK phải chịu trách nhiệm mà ban lãnh đạo BVĐK Đông Anh cũng không thể vô can. Theo đó, những người bán khống GCNSK phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, theo Điều 242 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù 1-5 năm.
“Các thành viên ban lãnh đạo bệnh viện phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự, bởi nếu họ có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao đã sớm phát hiện sự việc và có chấn chỉnh kịp thời, trừ khi có tiếp tay” - luật sư Hùng nêu quan điểm.