[links()] Hôm qua-14/3, TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Vu khống” đối với 2 bị cáo Ngô Quang Anh (SN 1971, nguyên là Công chứng viên Văn phòng Công chứng Mỹ Đình) và Hoàng Đình Trọng (SN 1971, nguyên là Luật sư Văn phòng Luật sư PGVN).
Bị cáo Quang Anh luôn kêu oan trong suốt quá trình xét xử |
Có hay không yêu cầu khởi tố của Bí thư Huyện ủy?
Trước đó, vào tháng 11/2011, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt Quang Anh 15 tháng tù, Trọng 12 tháng tù và Vũ Tiến Phùng (SN 1950, cán bộ hưu trí) 6 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội “Vu khống”. Sau phiên tòa này, Quang Anh và Trọng đã kháng cáo kêu oan.
Vụ án xuất phát từ việc ông Lê Xuân Trường (Bí thư Huyện ủy Từ Liêm, Hà Nội) có đơn yêu cầu đến Công an huyện Từ Liêm khởi tố vụ án, điều tra, xử lý các đối tượng có “đơn tố cáo khẩn cấp” vu khống ông là người “bảo kê” cho nhóm đối tượng lưu manh, cướp đất công tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, xác định đơn thư có chữ ký của 13 người dân.
Xuất phát từ việc vào tháng 3/2011, có một số đối tượng đã đến xây nhà trái phép trên phần đất quy hoạch vườn hoa, cây xanh trên đường Lê Đức Thọ, trước cửa Văn phòng (VP) Công chứng Mỹ Đình và nhà của bị cáo Phùng. Quang Anh đã giúp ông Phùng viết “đơn kêu cứu” tố cáo gửi đi mốt số cơ quan nhưng hơn một tháng sau vẫn không thấy được giải quyết.
Theo HĐXX sơ thẩm, vào cuối tháng 4/2011, Quang Anh đã soạn thảo tiếp một đơn “tố cáo khẩn cấp” rồi nhờ Trọng chỉnh sửa. Sau đó, Trọng bảo nhân viên VP Công chứng in, phô tô và đưa cho Phùng đi xin chữ ký của mọi người. Quang Anh cầm ảnh chụp căn nhà xây trái phép, trích lục bản đồ và số “đơn kêu cứu khẩn cấp” trên đến VP Luật sư PGVN để Trọng bảo nhân viên đóng dấu giáp lai rồi đóng phong bì, gửi đến các cơ quan khác nhau…
Cũng như phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm hôm qua đã vắng mặt bị hại là ông Lê Xuân Trường. Các Luật sư đã đề nghị hoãn phiên tòa để tiến hành triệu tập bị hại vì đây là vụ án được khởi tố theo yêu cầu của ông Trường. Tuy nhiên, đại diện VKSND TP.Hà Nội lại cho rằng: “Đây không phải là vụ án được khởi tố theo yêu cầu nên không cần thiết phải có mặt ông Trường”.
Nhiều Luật sư đã không đồng tình với ý kiến này khiến một thẩm phán phải có ý kiến: “Nếu xử các bị cáo ở Khoản 1 Điều 122 Bộ luật Hình sự thì mới bắt buộc phải có yêu cầu khởi tố của bị hại cũng như sự có mặt của bị hại tại phiên tòa. Ở vụ án này, các bị cáo bị xử ở Khoản 2 Điều BLHS nên không thiết phải có mặt bị hại”.
Tuy phiên xử vẫn tiếp tục nhưng tại phần xét hỏi và tranh luận, nhiều Luật sư vẫn tiếp tục đề nghị làm rõ về ý kiến trước đó của Kiểm sát viên (KSV). Theo họ, từ trước đến nay, các cơ quan tố tụng huyện Từ Liêm đều khẳng định: “Ông Trường có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và điều tra làm rõ hành vi vu khống của những người đã ký trong đơn tố cáo”.
Ngay tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX cũng đã cho Thư ký tòa đọc một văn bản của phía bị hại và coi đây là bản luận tội bị hại trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của ông Trường. Tại sao đến phiên tòa này, KSV có quan điểm trái ngược rằng, “vụ án không được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại”?
Ai là người soạn lá đơn thứ 2?
Bản án sơ thẩm cho rằng, Quang Anh là người khởi xướng và soạn thảo đơn “Tố cáo khẩn cấp”. Tuy nhiên, tại cả hai phiên tòa, Quang Anh đều chối và khai chỉ soạn thảo “Đơn kêu cứu”, không liên quan đến nội dung tố cáo ông Trường. Trong khi đó, Quang Anh khai: “Bị cáo không biết ai viết Đơn tố cáo khẩn cấp (tức lá đơn thứ 2- PV).
Bị cáo thấy đơn này có trong hòm thư điện tử nên đã chỉnh sửa đơn này và bỏ đi một số từ ngữ thiếu văn hóa”. Còn tại giai đoạn điều tra, có lúc Trọng nhận mình là người viết đơn “Tố cáo khẩn cấp”, lúc khác lại khai đơn này là do Quang Anh soạn thảo, mình chỉ là người sửa đơn.
Trước những lời khai mâu thuẫn trong việc xác định người soạn thảo lá đơn thứ 2 như trên, bị cáo Quang Anh có ý kiến “Không ai biết bản phôi (tức bản thảo- PV) “Đơn tố cáo khẩn cấp” gửi cho bị cáo Trọng như thế nào thì không thể quy kết tôi soạn thảo đơn vu khống ông Trường được”.
Cùng quan điểm này, bị cáo Trọng cũng phát biểu: “Tòa cấp sơ thẩm không đưa ra chứng cứ về việc tôi sửa đơn như thế nào. Nếu thừa nhận tôi đã lược bỏ những từ ngữ tục tĩu thì cũng có nghĩa tôi có công chứ không có tội”. Trọng còn cho hay: “Việc soạn thảo đơn cho khách hàng, cho công dân là chức năng của VP Luật sư, được pháp luật cho phép. Người ký đơn phải chịu trách nhiệm về nội dung đơn chứ người soạn thảo đơn không thể là đồng phạm về tội “Vu khống” được”.
Trước những lời khai này, đại diện VKS cho rằng, không có có sở chấp nhận kháng cáo nên đề nghị HĐXX giữ nguyên mức hình phạt như án sơ thẩm. Tranh luận lại, toàn bộ các Luật sư đều đề nghị HĐXX tuyên các bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án.
Ngoài những sai sót về tố tụng đã được thừa nhận trong bản án sơ thẩm, các Luật sư cho rằng đơn tố cáo của các hộ dân chưa được giải quyết theo Luật Khiếu nại tố cáo thì chưa thể khẳng định ông Trường bị vu khống.
Vụ án được khởi tố theo yêu cầu của ông Trường nhưng ông Trường không có lời khai tại CQĐT; ông Trường ủy quyền sai quy định; không thể áp dụng tình tiết “vu khống người đang thi hành công vụ” vì bị hại không là người trong bộ máy chính quyền...
Việc KSV “ghi nhận ý kiến của các Luật sư” nhưng “vẫn bảo lưu quan điểm trước đó” khiến nhiều Luật sư tỏ ra thất vọng với “thiện chí” của đại diện VKSND TP.Hà Nội tại tòa.
Sau khoảng một tiếng đồng hồ nghị án, Chủ toạ phiên tòa tuyên bố: “Do vụ án có nhiều tình tiết, HĐXX cần bàn thêm nên sẽ tuyên án vào chiều 21/3 (sau đúng một tuần nữa)”.
Khoa Lâm