Vụ “bỏ bom” 150 mâm cỗ: Nhà hàng có thể khởi kiện khách hàng

(PLVN) - Vừa qua, thông tin về một nhà hàng có tên là Tâm Phúc ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) bị “bỏ bom” 150 mâm cỗ cưới khiến dư luận xôn xao. Về sự việc này, Luật sư Nguyễn Thị Hồng Dinh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nhà hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự ra TAND cấp có thẩm quyền yêu cầu phía khách hàng bồi thường thiệt hại.
Nhà hàng bị “bỏ bom” 150 mâm cỗ cưới.
Nhà hàng bị “bỏ bom” 150 mâm cỗ cưới.

Như PLVN đã phản ánh, ban đầu, nhà hàng Tâm Phúc được khách đặt tổ chức tiệc lúc 11h ngày 30/9 dương lịch (tức 14/8 âm lịch) với 1,3 triệu đồng/mâm. Sáng 30/9, nhà hàng gọi cho cô dâu thì cô ấy nghe máy bảo dời cỗ đến khoảng 14 hoặc 15h. Sau đó, đến trưa gọi lại thì không liên lạc được nữa, đến giờ gọi máy đổ chuông nhưng không ai nghe.

Cuối cùng, đại diện nhà hàng đã phải đăng tải câu chuyện lên mạng xã hội, kêu gọi người dân giải cứu 150 mâm cỗ. Giá các mâm cỗ đã phải giảm từ 1,5 triệu đồng xuống còn 500 nghìn đồng. Chủ nhà hàng tiệc cưới Tâm Phúc cho biết, vụ việc khiến nhà hàng thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch UBND phường Mường Thanh cho biết, chính quyền phường đã nắm được thông tin, chủ quán đã trình báo với công an và đang được điều tra, làm rõ.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Dinh - Công Ty Luật TGS - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Giao dịch giữa nhà hàng và khách hàng tuy là giao dịch bằng miệng, không thể hiện bằng văn bản nhưng vẫn được coi là hợp đồng dân sự. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng. Giao dịch đã xảy ra và phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa các bên.

Ở đây phía khách hàng đã không thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng, gây thiệt hại cho chủ thể của hợp đồng, cụ thể là gây tổn thất lớn cho nhà hàng. Như vậy, quyền dân sự của nhà hàng đã bị xâm phạm. Vì vậy, theo quy định định Điều 11, Điều 13, Điều 14 Bộ luật Dân sự 2015 nhà hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự ra tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền yêu cầu phía khách hàng bồi thường thiệt hại cho mình nếu khách hàng cố tình không bồi thường thiệt hại hoặc hai bên không thỏa thuận được với nhau.

LS Dinh cũng cho biết, khi khởi kiện ra tòa nhà hàng có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Nghĩa là nhà hàng không chỉ chứng minh giao dịch đặt tiệc cưới là có thật, mà còn phải chứng minh thiệt hại để yêu cầu bồi thường. Trên thực tế, rất khó để đòi bồi thường cũng như chứng minh là đã có thỏa thuận đó cũng như các nội dung của thỏa thuận nếu khách hàng phủ nhận.

Theo luật sư, trường hợp trên là một bài học trong hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp người đặt hàng có tài sản để đảm bảo việc bồi thường thì thiệt hại có thể được bù đắp. Tuy nhiên, nếu người đặt hàng không có tài sản thì rủi ro hoàn toàn thuộc về chủ nhà hàng. 

Đọc thêm