Vụ cắt điện, nước một hộ dân: Khó biện minh cho sự "vô cảm" và "vượt luật"

Dù gia đình ông Nguyễn Văn Thái, cán bộ quân đội nghỉ hưu, trú tại số 10, ngõ 12, đường 800A (thuộc tổ 35, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy) đã chấp hành đình chỉ thi công và tiến hành tháo dỡ 1 phần công trình nhưng vẫn bị cắt điện, nước sinh hoạt vì tiến hành xây dựng công trình không phép...

[links()]Dù gia đình ông Nguyễn Văn Thái, cán bộ quân đội nghỉ hưu, trú tại số 10, ngõ 12, đường 800A (thuộc tổ 35, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy) đã chấp hành đình chỉ thi công và tiến hành tháo dỡ 1 phần công trình nhưng vẫn bị cắt điện, nước sinh hoạt vì tiến hành xây dựng công trình không phép...

Tuy đã tự nguyện phá dỡ công trình nhưng gia đình ông Thái vẫn bị cắt điện, nước sinh hoạt

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy: “Xử lý phải có tình”

Điều đáng nói, với những dạng vi phạm như trên thì pháp luật chỉ cho phép dừng việc cấp điện, cấp nước “đối với công trình xây dựng vi phạm” chứ không cho phép cắt điện, nước sinh hoạt của người dân. Hơn nữa, việc cắt điện, nước sinh hoạt trên lại diễn ra sau khi gia đình ông Thái đã chấp hành đình chỉ thi công và tiến hành tháo dỡ 1 phần công trình.

Tại thời điểm đó, 4/5 thành viên trong gia đình ông Thái đang bị đau ốm: bà Nguyễn Thị Thanh Tằng (vợ ông Thái) bị chấn thương sọ não (mất 80% sức khỏe); cháu Nguyễn Sam (5 tuổi, cháu ngoại ông Thái) bị hội chứng thận hư (điều trị ngoại trú); chị Kim Cương (con gái ông Thái) đang trong giai đoạn hồi sức do vừa tiến hành phẫu thuật; bản thân ông Thái đã có chỉ định mổ cột sống của Quân y Viện 108…

Sau khi sự việc diễn ra hơn một tuần, trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy - đã bày tỏ sự “đồng cảm” với những khó khăn của gia đình ông Thái do bị cắt điện, cắt nước và cho hay: “Sau khi nhận được thông tin từ báo chí, UBND quận đã yêu cầu UBND phường Nghĩa Đô báo cáo vụ việc cũng như yêu cầu khôi phục lại điện, nước cho gia đình ông Thái vào ngày 19/7”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì cho đến sáng qua (23/7), gia đình  ông Thái vẫn chưa được cấp nước sạch trở lại, còn điện sinh hoạt thì đã được cơ quan điện lực khôi phục một cách “bí mật” vào trưa 22/7. Lý giải về việc UBND phường Nghĩa Đô yêu cầu cắt điện, nước đối với gia đình ông Thái, ông Hà cho rằng: “Đối với công trình riêng biệt thì việc cắt điện, cắt nước rất dễ. Nhưng đối với trường hợp xây thêm như thế này thì luật lại không phân định rõ nên để phân biệt việc cắt điện, nước phần trong nhà và ngoài nhà là rất khó, chưa rõ ràng. Vì vậy,  cách xử lý như thế nào thì phải xem có hợp tình hay không”.

Hành xử ngoài phạm vi luật pháp cho phép

Tuy đã đề cập tới “cái tình” nhưng lý giải của ông Hà trên đây xem ra vẫn đẩy “cái khó” cho người dân, bởi theo ý kiến của một số luật sư thì trong trường hợp này, rõ ràng pháp luật chỉ cho phép cắt điện, nước liên quan đến xây dựng công trình (tức là điện nước phục vụ cho việc xây dựng) chứ không cho phép “lạm quyền” để cắt cả điện, nước sinh hoạt của người dân. Và nếu giả sử có sự lẫn lộn giữa điện sinh hoạt và điện phục vụ xây dựng công trình thì cơ quan chức năng cũng chỉ được thực hiện quyền trong phạm vi cho phép chứ không thể thực hiện mở rộng theo kiểu “giết nhầm hơn bỏ sót”.

Báo cáo ngày 22/7 của UBND phường Nghĩa Đô thừa nhận, “ngày 10/6, ông Thái đã gửi bản cam kết phá dỡ trước ngày 20/6. Sau đó gia đình ông Thái đã tự phá dỡ công trình (phần mái che) nhưng vẫn giữ nguyên phần tường đã xây cao thêm (xây cao hơn 1,4m so với bức tường cũ, xây năm 1999- PV) bao quanh công trình và 3 cột bê tông”. 

Như vậy, từ ngày 10/6, ông Thái đã không tiếp tục xây mới (và còn tự phá 1 phần công trình) nhưng đến ngày 8/7 thì gia đình ông vẫn bị cắt nước và đến ngày 15/7 bị cắt điện. Rõ ràng ở thời điểm này, gia đình ông Thái không hề có bất cứ hoạt động “xây dựng công trình” nào thì làm sao có thể bị quy kết là đã dùng điện, nước để phục vụ cho hoạt động xây dựng được? Có chăng thì lúc này, gia đình ông Thái chỉ dùng điện nước để phục vụ cho việc….phá dỡ công trình mà thôi!

Cũng như ý kiến của bà Trần Thị Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô, ông Hà cũng cho rằng, “việc ngưng cung cấp điện, nước đối với công trình xây dựng là một biện pháp nhằm ngăn chặn, không để làm phát sinh thêm việc xây dựng không phép”.

Tuy nhiên, trước câu hỏi  “Tại sao khi gia đình ông Thái đã chấp hành yêu cầu ngưng thi công, rồi tiến hành phá dỡ 1 phần công trình xây dựng vi phạm lại vẫn bị cắt điện, nước?” thì ông Hà không trả lời thẳng mà cho hay, “chúng tôi sẽ xem báo cáo của phường, phải tiến hành kiểm tra cụ thể xem như thế nào”.

Trong một động thái khác, ông Thái đã chính thức có đơn khiếu nại Quyết định đình chỉ thi công công trình và Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình của UBND phường Nghĩa Đô, yêu cầu được bồi thường thiệt hại do việc bị cắt điện, cắt nước gây ra vì cho rằng, cơ quan này đã căn cứ không đúng thực tế vụ việc (người vi phạm đã chấp hành đình chỉ thi công và phá dỡ công trình) để rồi yêu cầu đơn vị cấp nước, cấp điện ngưng cung cấp điện, nước sinh hoạt của gia đình ông.

Khoa Lâm

Đọc thêm