Vụ chìm tàu TP.HCM: Viện “kháng” yêu cầu của Tòa

(PLO) - Như PLVN đã thông tin thì sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”, TAND TP. HCM đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung một số  nội dung.
Một trong những con tàu được Cty Việc Séc sản xuất và hiện đang được sử dụng.
Khi Bộ trưởng lên tiếng 
Như PLVN đã từng thông tin thì một trong những nội dung mà TAND TP.HCM yêu cầu điều tra bổ sung là “cần phải có kết luận giám định tàu ký hiệu BP 12-04-02 (do ông Phạm Duy Phúc điều khiển) không bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng”.
Tuy nhiên, VKSND TP.HCM lại cho rằng, yêu cầu trên của Tòa là “không có cơ sở” và khẳng định, “tàu BP 12-04-02 được Cty Việt Séc đóng mới và bán cho Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu khi chưa được Cục Đăng kiểm cho phép đăng kiểm rõ ràng là không bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng. 
Như vậy, việc “đóng mới và bán tàu” khi chưa được Cục Đăng kiểm cho phép đăng kiểm là phạm tội? Việc quy kết này là vô lý bởi trách nhiệm đăng kiểm phương tiện là thuộc về người sử dụng tàu, tại sao lại bắt đơn vị sản xuất phải tiến hành đăng kiểm rồi mới được bán? Thử hỏi, có cơ quan đăng kiểm nào tiến hành cấp đăng kiểm cho Cty sản xuất tàu? Và Giấy đăng kiểm này sẽ ghi tên đơn vị sử dụng tàu như thế nào khi chưa biết Cty sẽ bán cho ai? 
Liên quan đến vấn đề này, khi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã cho biết, Bộ GTVT đang triển khai phối hợp  với các đơn vị đóng tàu bằng vật liệu PPC để xây dựng Bộ quy chuẩn quy phạm, làm căn cứ để đăng kiểm. Bộ GTVT đã thống nhất với Cty đóng tàu bằng vật liệu PPC cho thử nghiệm 2 con tàu và tiến hành đăng kiểm thử nghiệm luôn… 
Như vậy, qua nội dung trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng như trên, có thể hiểu rằng trách nhiệm của Cty sản xuất tàu chỉ là “phối hợp” để xây dựng Bộ quy chuẩn làm cơ sở thực hiện đăng kiểm cho các đơn vị sử dụng tàu. Việc đăng kiểm cho Cty sản xuất tàu có chăng cũng chỉ là “đăng kiểm thử nghiệm” mà thôi. 
Bộ trưởng Thăng cũng cho rằng, để xây dựng được Bộ quy chuẩn phải căn cứ vào điều kiện thực tế, phải có đơn vị sản xuất, dựa vào đơn vị đó vừa thử nghiệm sản xuất, vừa thử nghiệm đăng kiểm đồng thời cũng là để xây dựng Bộ quy chuẩn. 
Như vậy, nếu VKSND TP.HCM cứ cấm Cty Việt Séc sản xuất tàu thì Bộ GTVT lấy cái gì để xây dựng được Bộ quy chuẩn?
Đó là chưa kể tới việc, theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, ngoài Bộ GTVT thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng có quyền quy định tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng; quy định và tổ chức việc đăng kiểm phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng.
Như vậy thì tại sao VKSND TP.HCM chỉ “bó hẹp” và bắt Cty Việt - Séc phải có sự cho phép của Cục Đăng kiểm Việt Nam (thuộc Bộ GTVT) mà phủ nhận quyền ban hành Bộ quy chuẩn hoặc cấp đăng kiểm của lực lượng vũ trang?
Không trực tiếp điều khiển ca nô cũng có lỗi?
Ngoài việc cho rằng Cty Việt - Séc sản xuất và bán khi chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép đăng kiểm, VKSND TP.HCM cho rằng, bị can Quyết và bị can Đảo  có lỗi khi chỉ đạo, điều đồng tàu chở quá số người cho phép; sử dụng sai mục đích; ca nô hành trình trong vùng có sóng vượt quá giới hạn cho phép; người điểu khiển ca nô không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy loại 2 tốc độ cao; ca nô không làm thủ tục vào, rời bến theo quy định… 
Nhận định nguyên nhân chìm tàu trên là không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự vì không dựa trên kết luận  giám định của Hội đồng giám định có thẩm quyền.
Giả sử như có những nguyên nhân trên thì cũng có thể thấy rằng, nó không xuất phát trực tiếp từ người điều động tàu hoặc người quản lý doanh nghiệp. Giả sử bị can Đảo, bị can Quyết có điều động tàu đi chăng nữa thì làm sao hai bị can này biết sóng biển diễn biến như thế nào ở thời gian, vị trí tàu chạy để mà xử lý? Việc xử lý này thuộc về lái tàu, tại sao lại bắt lãnh đạo chịu trách nhiệm?
Về các nguyên nhân dẫn đến chìm tàu BP 12-04-02 theo quan điểm của VKSND TP.HCM như trên, TAND TP.HCM từng khẳng định: “Không có nguyên nhân nào liên quan đến việc chứng minh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra là do “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” như cáo trạng truy tố”.
Nay, VKSND TP.HCM vẫn giữ nguyên quan điểm trên, không biết TAND TP.HCM có thể đưa vụ án này ra xét xử./.

Đọc thêm