Vụ “chôn” đường cấp nước sạch dưới Đáy - Ninh Cơ (Nam Định): Thống nhất chọn phương án hoàn trả đi nổi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  UBND huyện Nghĩa Hưng, Sở Xây dựng Nam Định, BQL các dự án đường thủy - đại diện Bộ GTVT (chủ đầu tư cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ) cùng Cty TNHH Mai Thanh vừa có cuộc họp để cung cấp thông tin và thống nhất các nội dung liên quan đến yếu tố kỹ thuật của phương án đi nổi công trình di dời, hoàn trả đường ống cấp nước sạch này.
Nhà máy nước Phú Mỹ Tân.
Nhà máy nước Phú Mỹ Tân.

Thời gian qua, PLVN đã có một số bài phản ánh về công trình hoàn trả đường ống cấp nước sạch của Cty Mai Thanh thuộc tiểu dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Trải qua nhiều cuộc họp được tổ chức tại Bộ GTVT, tỉnh Nam Định, cũng như sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và nhiều cơ quan Trung ương, mới đây các bên đã thống nhất lựa chọn phương án đường ống đi nổi thay vì phương án “chôn” vĩnh viễn dưới Đáy - Ninh Cơ.

Chọn phương án thuận lợi cho việc bảo trì

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Thông báo kết luận 185/TB-VPCP ngày 25/6/2022 của Văn phòng Chính phủ về nội dung rà soát công tác GPMB, phương án hoàn trả tuyến ống dẫn nước của dự án Nhà máy sản xuất nước sạch Phú Mỹ Tân (Dự án nước sạch), Bộ GTVT đã lập Tổ công tác rà soát phương án hoàn trả đường ống nước sạch qua kênh nối Đáy - Ninh Cơ, Dự án WB6 (Tổ công tác).

Tại Báo cáo 12557/BGTVT-CQLXD ngày 28/11/2022 gửi Phó Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết: Sau khi nghiên cứu nhiều phương án hoàn trả đường ống nước đi nổi tại các vị trí khác nhau, Tổ công tác đã thống nhất báo cáo, đề xuất Bộ GTVT chọn phương án đường ống đi nổi theo cầu riêng sát cạnh cầu vượt âu, kết cấu là dàn thép, nhịp vượt từ trụ P9 đến P10 của cầu vượt âu (phương án 5).

Theo đánh giá của Bộ GTVT, kinh phí xây dựng phương án hoàn trả đường ống nước đi nối lớn hơn kinh phí phương án đi ngầm đã được tỉnh Nam Định thực hiện từ tháng 4/2022 (phương án không nhận được sự đồng thuận của Cty Mai Thanh). Nhưng phương án này thuận lợi cho việc quản lý, bảo trì khi đưa đường ống nước hoàn trả vào sử dụng và đã nhận được sự đồng thuận của Cty Mai Thanh.

Trong báo cáo, Bộ GTVT cho biết, ngày 2/11/2022, Bộ GTVT và UBND tỉnh Nam Định đã tổ chức cuộc họp thống nhất lựa chọn phương án hoàn trả đường ống nước của Cty Mai Thanh theo đề xuất của Tổ công tác nêu trên; và UBND tỉnh Nam Định tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của tỉnh triển khai thực hiện công tác đền bù, GPMB theo thẩm quyền.

Tiếp đó, Bộ đã có văn bản đề nghị tỉnh Nam Định rà soát, đẩy nhanh tiến độ đền bù, di dời đường ống nước theo phương án đã lựa chọn để bản giao mặt bằng thi công cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ đáp ứng tiến độ dự án WB6. UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản giao UBND huyện Nghĩa Hưng và các cơ quan triển khai thực hiện.

“Do công tác GPMB, đền bù đường ống nước thuộc thẩm quyền thực hiện của tỉnh Nam Định, vì vậy Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Nam Định trên cơ sở các ý kiến của Bộ GTVT; triển khai thực hiện các công việc tiếp theo theo thẩm quyền, tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của DN, người dân; và sớm hoàn thành, bàn giao mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công cụm công trình”, Bộ GTVT kiến nghị.

Chủ dự án nước sạch vẫn còn băn khoăn

Theo tìm hiểu, ngày 15/12/2022, UBND huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức cuộc họp cung cấp và thống nhất các nội dung liên quan đến yếu tố kỹ thuật của phương án 5 công trình di dời, hoàn trả đường ống cấp nước sạch. Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Hưng, Sở Xây dựng, BQL các dự án đường thủy - đại diện Bộ GTVT, cùng Cty Mai Thanh.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Cty Mai Thanh, chủ dự án Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân đề cập: Tại Văn bản 1665/TTg-CN ngày 17/10/2006 có yêu cầu “việc thực hiện bồi thường các công trình hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn kinh phí GPMB: giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện”. Bà Thanh đề nghị được biết hướng dẫn của chủ đầu tư khi triển khai với công trình hoàn trả này để Mai Thanh nắm rõ các cơ sở pháp lý, đặc biệt là có đúng với yêu cầu nêu trên hay không?

Phía Cty Mai Thanh còn cho rằng công trình hạ tầng kỹ thuật phải do chủ đầu tư (Bộ GTVT) có trách nhiệm thực hiện bồi thường, không thể đẩy về tỉnh Nam Định và huyện Nghĩa Hưng vốn chỉ thực hiện khâu GPMB, TĐC, và có nhiều yếu tố kỹ thuật nằm ngoài chức năng của địa phương.

Bà Thanh nói rằng không mong muốn gì hơn là nhận một công trình hoàn trả an toàn cả về trình tự thủ tục, pháp lý và an toàn kỹ thuật; đảm bảo duy trì hoạt động cấp nước bình thường, không làm gián đoạn cấp nước an toàn cấp nước liên tục, phục vụ 27.000 hộ dân trong vùng dự án của 10 xã, vùng thường xuyên có yếu tố biến đổi khí hậu xâm nhiễm mặn; DN phát triển bền vững không gặp các sự cố không thể khắc phục, không làm phát sinh chi phí quá trình sản xuất.

Trước những đề nghị trên, BQL dự án đường thủy nêu quan điểm, nhiệm vụ của Tổ công tác do Bộ GTVT thành lập lựa chọn, đề xuất phương án sơ bộ trên cùng một mặt bằng so sánh để chọn phương án tối ưu. Còn chi tiết về yếu tố kỹ thuật thì đơn vị tư vấn do địa phương lựa chọn sẽ triển khai cụ thể.

UBND huyện Nghĩa Hưng thì cho biết tiếp nhận ý kiến của Cty Mai Thanh và các cơ quan liên quan, sau đó phân loại thực hiện các nội dung theo thẩm quyền. Những nội dung vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cơ quan thẩm quyền xin ý kiến.

Đọc thêm